Đó là những nghiên cứu mới về chất cải tạo đất có nguồn gốc sinh học; hoạt tính chống tăng đường huyết của một số thực vật; tinh chế kháng nguyên tiềm năng cho việc chế tạo vaccine tiêu chảy; ...

Hội nghị Môi trường, lao động và dinh dưỡng với sức khỏe cộng đồng (lần thứ nhất) do Cục Công tác phía Nam, Bộ KHC&N phối hợp với Trung tâm Phát triển KH&CN trẻ TPHCM và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức ngày 3/5 tại TPHCM.

Hội nghị đã nhận được gần 50 bài tham luận khoa học với các nội dung như: Tổng quan tác động của môi trường đối với sức khỏe cộng đồng: Các công nghệ, cách tiếp cận mới trong nghiên cứu dịch tễ học môi trường; Chiến lược, chính sách và ứng dụng công nghệ của Việt Nam trong theo dõi và đánh giá sức khỏe cộng đồng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ thông tin hướng đối tượng của Cách mạng công nghiệp 4.0;…

Các diễn giả báo cáo tham luận tại Hội nghị
Các diễn giả báo cáo tham luận tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, phiên thảo luận chuyên đề về khoa học dinh dưỡng, môi trường và lao động tập trung vào các vấn đề đang được cộng đồng quan tâm hiện nay như: Ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh lao động, vai trò dinh dưỡng và độc chất của thực phẩm tác động đến sức khỏe con người, xây dựng hệ dinh dưỡng nhằm phát huy thể trạng và sức khỏe của thanh niên Việt Nam,…

Điển hình như nhóm nghiên cứu của Viện Địa lý tài nguyên TPHCM và Công ty TNHH MTV Thương mại Nguyễn Thanh Hải đã nghiên cứu, ứng dụng chất cải tạo đất có nguồn gốc sinh học trong nông nghiệp. Sản phẩm này không phải là phân bón, không dùng trực tiếp trên cây trồng, nhưng ngoài tác dụng làm đất màu mỡ, còn có tác dụng giảm thiểu sâu bệnh trên cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất.

Hay nghiên cứu sự ức chế của một số chất kháng sinh đối với E.coli trong nước sông Sài Gòn của Viện Nhiệt đới môi trường, Trường đại học công nghiệp TPHCM cho kết quả, E.coli trong nước sông Sài Gòn là thuộc loại kháng kháng sinh đối với Ciprofloxacin và Ofloxacin.

Đối với chuyên đề khoa học y dược, các bài tham luận tập trung vào những nghiên cứu phát hiện các hoạt chất mới và ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, điều trị bệnh; các yếu tố nguy hại cho sức khỏe con người; xác định tổn thương và chẩn đoán bệnh võng mạc đái tháo đường qua ảnh chụp đáy mắt;…

Trong số đó có nghiên cứu của Trường Đại học Công nghệ TPHCM về sàng lọc hoạt tính chống oxy hóa của một số thực vật cho thấy, cao chiết ethanol từ lá chôm chôm và lá xoài có hoạt tính oxy hóa cao nhất. Cao chiết từ hai loại lá này có tiềm năng sản xuất thuốc chống tăng đường huyết. Sản phẩm cao chiết của trường đã được nghiên cứu thử nghiệm trên chuột và cho thấy, chuột uống cao có nồng độ đường trong máu giảm đáng kể so với nhóm chứng tăng đường huyết và tương đương với nhóm được sử dụng thuốc đặc trị glibenclamide.

Trong khi đó, trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM trình bày tại hội nghị nghiên cứu tạo dòng, tinh chế protein SenB của Shigella sonnei. Shigella sonnei là tác nhân chủ yếu gây bệnh tiêu chảy với tỷ lệ kháng kháng sinh cao và chưa có vaccin. Độc tố đường ruột SenB là protein có nhiều ưu điểm nổi trội để trở thành kháng nguyên tiềm năng ứng dụng tạo ra vaccine gây bệnh tiêu chảy. Việc tinh chế được protein SenB với độ tinh sạch cao đến 95% của đề tài nghiên cứu là tiền đề để thu nhận protein SenB quy mô công nghiệp.

Ngoài ra, những vấn đề mới cũng được thảo luận như ứng dụng khoa học công nghệ thông tin và dữ liệu số hóa trong kiểm tra và theo dõi sức khỏe cá nhân.

Hội nghị được tổ chức nhằm tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia với các nhà khoa học trẻ, nhằm hướng tới xây dựng một đội ngũ nghiên cứu có năng lực, tạo ra những sản phẩm, công trình nghiên cứu khoa học đạt tiêu chuẩn quốc tế về giá trị học thuật và tính ứng dụng.

Đây cũng là một trong những hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 của các đơn vị tổ chức hội nghị.