Ngày 24/8, Hội nghị khoa học trẻ lần thứ nhất được Trường Đại học Công nghiệp TPHCM (IUH) tổ chức với hơn 100 báo cáo nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ, học viên cao học và sinh viên. Trong đó có nhiều nghiên cứu hướng đến giải quyết những vấn đề của thực tiễn.

Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện, Hội nghị đã nhận được 131 bài báo cáo của 92 giảng viên trẻ, 226 sinh viên, 8 học viên cao học, 3 sinh viên quốc tế và 3 sinh viên trường khác cùng tham dự. 5 lĩnh vực được Hội nghị tập trung thảo luận, chia sẻ những nghiên cứu mới nhất gồm Kinh tế, Kỹ thuật, Hoá – Sinh – Môi trường, Công nghệ thông tin, Khoa học xã hội. Đặc biệt, nhiều nghiên cứu đã gắn với thực tiễn và giải quyết những vấn đề mà xã hội đang gặp phải.

Trong số đó có thể kể đến các nghiên cứu như thiết kế và chế tạo máy bóc vỏ hạt đậu nành nhỏ gọn, giá thành rẻ, dễ dàng thay thế và sửa chữa, phù hợp với các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ. Với cơ cấu bóc tách 2 ru-lô, 1 tĩnh, một động quay tác động lên vỏ hạt đậu nành, cho kết quả thành phẩm đạt trên 80% với năng suất 52kg/giờ.

Sinh viên trình bày báo cáo nghiên cứu tại Hội nghị
Sinh viên trình bày báo cáo nghiên cứu tại Hội nghị

Nghiên cứu “Đánh giá tiềm năng của lá khóm (dứa) trong kéo sợi, dệt vải” đã tận dụng phế phẩm là lá khóm pha trộn với xơ bông và kéo sợi. Kết quả phân tích xơ từ lá khóm bằng phương pháp cơ lý kết hợp với xử lý xơ trong dung dịch Sodium Hydroxide 5% ở nhiệt độ 50oC, trong 4 giờ thu được xơ tương đối sạch, đường kính 56 - 89µm, khối lượng riêng 1,44g/cm3. Sợi khóm pha bông đạt độ bền 14,5cN/tex, cao hơn so với sợi bông 100% cùng loại là 9,3 cN/tex và hoàn toàn có thể dệt trên máy dệt kim với yêu cầu độ bền sợi trên 10 cN/tex.

Tận dụng lá khóm (dứa) để nghiên cứu
Tận dụng lá khóm (dứa) để nghiên cứu ra sợi khóm pha bông dùng trong dệt may

Nhóm nghiên cứu trẻ của Viện Khoa học và Quản lý môi trường IUH cũng tận dụng phế thải là chai nhựa và xơ dừa để chế tạo ra vật liệu composite cách âm, thay thế vật liệu thông thường với chi phí thấp. Kết quả thử nghiệm cho thấy, vật liệu có khả năng cách âm cao hơn vật liệu cách âm hiện có trên thị trường như mút, bông khoáng, xốp.

Trong lĩnh vực môi trường, để giúp huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận), nhóm nghiên cứu đã ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để phân tích, xử lý dữ liệu không gian,lựa chọn tiêu chí,… để xác định vị trí bãi chôn lấp phù hợp. Nghiên cứu đã xác định ba khu vực có thể đặt bãi chôn lấp là xã Long Hải, Ngũ Phụng Tam và Tam Thanh.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu được các nhà khoa học trẻ IUH mang đến hội nghị còn có: Giải pháp nâng cao chất lượng logistics cho Công ty TNHH đối tác tin cậy Toàn Cầu; Thiết kế, chế tạo máy chà nhám gỗ; Nghiên cứu khả năng tự làm sạch cho vải tơ tằm bằng Nano TiO2/SiO2; Nghiên cứu ứng dụng chủng vi tảo Chilorella sp. xử lý nước thải nuôi tôm tại huyện Cần Giờ;…

TS Đồ Đình Thuấn chia sẻ với sinh viên về phương pháp nghiên cứu khoa học
TS Đỗ Đình Thuấn chia sẻ với sinh viên về phương pháp nghiên cứu khoa học

Với chủ đề “Kết nối, hội nhập và Phát triển”, Hội nghị khoa học trẻ lần 1-2019 được IUH tổ chức với mong muốn thúc đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong học viên, sinh viên và cán bộ giảng viên trẻ, phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao, phục vụ nhu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là cơ hội giao lưu và học hỏi, tăng cường sự kết nối, chia sẻ kiến thức giữa các nhà khoa học trẻ về tác động của hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến các nhóm ngành mà trường đào tạo.

TS Đỗ Đình Thuấn - Trưởng nhóm nghiên cứu Thông tin và xử lý tín hiệu IUH - chia sẻ, sinh viên trong quá trình học tập cần chăm chỉ học hỏi, bám sát theo các xu hướng nghiên cứu của các thầy cô giảng viên và mạnh dạnh trao đổi với thầy cô hoặc các giáo sư đầu ngành những vấn đề nghiên cứu của mình còn chưa hiểu. “Ngoài ra, các bạn nên chia sẻ ý tưởng, nghiên cứu của mình với thầy cô, bạn bè,… để cùng nhau hợp tác, trao đổi kinh nghiệm bởi trong nghiên cứu không có sự hợp tác sẽ không thể thành công” – TS Thuấn nhấn mạnh.