Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết trong năm nay “hy vọng xây dựng xong” kế hoạch quản lý chất lượng không khí Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030.

Cũng trong năm 2020 sẽ có kết quả các nhiệm vụ xác định nguồn thải ô nhiễm không khí, nghiên cứu phân tích ảnh hưởng sức khỏe, xác định nhóm giải pháp và tổ chức thực hiện giải pháp, theo bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó giám đốc Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội. Bà Chi cho biết đây là các nhiệm vụ đã thực hiện từ năm 2019, tuy nhiên mốc thời gian công bố kết quả các nhiệm vụ này không được đề cập.

Các nỗ lực cải thiện chất lượng không khí năm 2019 và kế hoạch năm 2020 của thành phố Hà Nội được Chi cục thông báo tại hội thảo Cải thiện chất lượng không khí Hà Nội: Hợp tác 2020 và những năm tiếp theo do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Live & Learn tổ chức.

Ngày 14/1, Pam Air cảnh báo chất lượng không khí nhiều điểm tại Hà Nội ở ngưỡng màu tím với giá trị AQI lên đến 258 – rất xấu, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

“Trong năm vừa qua Thành phố đã có những văn bản chỉ đạo và chương trình hành động để bảo vệ môi trường và không khí. Chúng tôi đã tham mưu cho thành phố đưa ra những chỉ thị [thay thế toàn bộ việc sử dụng] bếp than tổ ong, về quản lý chất lượng không khí và các biện pháp hạn chế các nguồn thải,” bà Chi nói về 2 chỉ thị vừa được Thành phố ban hành cuối năm 2019.

Tuy nhiên do Thành phố chưa kiểm soát và thống kê được nguồn thải nên những chỉ thị này đều chưa đưa ra các mục tiêu định lượng cụ thể và hiệu quả thực tế sẽ rất khó đo đếm. Ô nhiễm không khí từ công nghiệp và điện than cũng chưa được đề cập trong các nhóm giải pháp ở chỉ thị về quản lý chất lượng không khí.

Năm 2020, thành phố có các kế hoạch hợp tác để cải thiện chất lượng không khí, bên cạnh kế hoạch quản lý chất lượng không khí 2021 – 2025. “Ngân hàng Thế giới đang hỗ trợ Hà Nội nghiên cứu thành phần hóa học trong bụi PM2.5, xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng các mô hình quản lý chất lượng không khí, ảnh hưởng của giao thông và đốt rơm rạ đến sức khỏe. Các viện, trường đại học sẽ hỗ trợ tính toán tổng lượng phát thải, phân tích ảnh hưởng, chi phí, lợi ích từ rơm rạ, bếp than tổ ong đến môi trường và sức khỏe, nghiên cứu ảnh hưởng của giao thông đến môi trường để xây dựng các kịch bản ứng phó khác nhau,” bà nói.