Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nếu không muốn bị xóa sổ trên thị trường trong công cuộc chuyển đổi số, cần phải thay đổi tư duy chiến lược để phát triển.

Thông tin trên được ông Đào Trung Thành – Giám đốc kỹ thuật Media Venture Vietnam Group, đưa ra tại Hội thảo “Chuyển đổi kinh tế số Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0”. Hội thảo do Hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) phối hợp cùng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) và Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức ngày 20/9 tại TPHCM.

Ông Thành phân tích, nếu như trước đây, kinh doanh yêu cầu thu thập các số liệu về người dùng và sử dụng công nghệ nhằm hỗ trợ các công việc kinh doanh. Công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ thuần túy. Nhưng trong kỷ nguyên số hóa ngày nay, công nghệ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới, những chiến lược mới. Nó không chỉ hỗ trợ kinh doanh, mà còn thúc đẩy tăng trưởng và là nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh.

Ô
Ông Đào Trung Thành – Giám đốc kỹ thuật Media Venture Vietnam Group

“Chiến lược tư duy truyền thống không còn phù hợp đối với mỗi doanh nghiệp. Lãnh đạo doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ của mình để có một chiến lược kinh doanh công nghệ số hiệu quả, tạo ra những trải nghiệm ban đầu và lồng ghép những trải nghiệm đó vào trong quy trình chiến lược phát triển doanh nghiệp” - ông Thành nhấn mạnh.

Ông Thành cho rằng, chuyển đổi số được thực hiện theo cách tiếp cận 6 bước: Chiến lược (có tầm nhìn, chiến lược chuyển đổi, phân tích đánh giá giá trị các bên liên quan); Hiện trạng (đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng số hóa của đơn vị); Tương lai (mô hình vận hành, quy trình, công nghệ,…); Lộ trình (danh mục dự án, kế hoạch thực hiện,…); Triển khai (thực thi, thay đổi về kinh doanh, công nghệ, con người); Giám sát.

“Lãnh đạo có nhận thức đúng và đưa ra được chiến lược chuyển đổi số rõ ràng sẽ thành công, chứ không phải công nghệ dẫn dắt công cuộc chuyển đổi này”- ông Thành chia sẻ.

GS. Hồ Tú Bảo – Viện trưởng Viện John von Neumann (ĐH Quốc gia TPHCM) thì nhấn mạnh các vấn đề trọng yếu trong xây dựng hạ tầng số của Việt Nam. Hạ tầng số bao gồm thiết bị (máy tính đủ mạnh, an toàn); Mạng kết nối (cáp quang,mạng không dây,…); Dữ liệu (công nghệ, quy trình, cách tổ chức, quản lý, chia sẻ); Ứng dụng (các công cụ khai thác nguồn tài nguyên số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thống kê hiện đại,…); Pháp lý (hệ thống pháp lý và thực thi pháp luật trong thời chuyển đổi số); Nhân lực (với kỹ năng lao động mới, có khả năng làm chủ và sử dụng các công nghệ số).

GS. Hồ Tú Bảo (ngoài cùng bên phải) chia sẻ về hạ tầng chuyển
GS. Hồ Tú Bảo (ngoài cùng bên phải) chia sẻ về hạ tầng số

Tuy nhiên, theo GS. Hồ Tú Bảo, hạ tầng số ở Việt Nam chưa được nhận thức ở mọi cấp như các hạ tầng khác. Dữ liệu quốc gia, địa phương, toàn cầu đều thiếu, chất lượng cũng như việc chia sẻ và kết nối còn hạn chế. Ngoài ra, Việt Nam còn thiếu hành lang pháp lý, nhân lực cho xã hội số và kinh tế số, hạ tầng số chưa được an toàn.

“Vì vậy, nhận thức và tập trung xây dựng hạ tầng số, cần xem là nhiệm vụ hàng đầu trong thời kỳ chuyển đổi số” – GS. Bảo nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Tú – đại diện AVSE Global - cho biết thêm về “Diễn đàn kinh tế số hóa Việt Nam – VDEF 2018” do AVSE Global, HIDS và QTSC sẽ được tổ chức từ ngày 31/10 – 1/11 tại TPHCM. Hai mục tiêu chính của VDEF 2018 là chia sẻ tầm nhìn chiến lược, kinh nghiệm thực tế của những người tiên phong và xu hướng của sự chuyển đổi không thể thiếu trong nền kinh tế kỹ thuật số; đồng thời đánh giá hiện trạng, thách thức, cơ hội liên quan đến nền kinh tế kỹ thuật số. Các bài tham luận được tập trung vào các chủ đề: Con đường cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam; Công nghệ số tác động đến các quyết định chiến lược của SME; Ứng dụng công nghệ số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của SME; Các dịch vụ số hỗ trợ doanh nghiệp SME.