Hiệp định EVFTA không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý cho các nông sản của Việt Nam vốn có mặt trên thị trường EU từ lâu như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Mê Thuột, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường EU cho các đặc sản khác như trà Mộc Châu, Tân Cương, hay vải thiều Thanh Hà, Lục Ngạn,... mới được EU biết đến thông qua Hiệp định.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị.

Khi thực thi Hiệp định EVFTA, EU sẽ cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (chủ yếu là nông sản và thực phẩm). Đây sẽ là những tiền đề quan trọng cho một số sản phẩm đặc trưng của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU. Những thông tin được ông Lê Ngọc Lâm, Cục phó Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đưa ra trong Hội nghị “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU: Một số cam kết quan trọng về sở hữu trí tuệ và những điều cần lưu ý” do Bộ KH&CN và Bộ Công thương đồng tổ chức ngày 27/8 cho thấy các cam kết về sở hữu trí tuệ trong EVFTA có thể mang lại những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội tham gia vào thị trường EU, thì các cam kết về sở hữu trí tuệ trong Hiệp định này cũng sẽ mang lại những thách thức nhất định cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân của Việt Nam. Cụ thể, việc chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nghiêm minh hơn (hay nói cách khác chế độ thực thi quyền sở hữu trí tuệ hà khắc hơn) có thể khiến doanh nghiệp của Việt Nam phải chịu gánh nặng đối với các thủ tục kiểm soát (ví dụ như kiểm soát tại biên giới), đặc biệt là khi bị rơi vào tranh chấp, kiện tụng.

Để chủ động chuẩn bị về hành lang pháp lý, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ đã triển khai các nhiệm vụ nhằm thực thi đầy đủ, nghiêm túc các cam kết của Việt Nam trong EVFTA về sở hữu trí tuệ và hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Cụ thể, “Bộ KH&CN đang hoàn thiện Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT); hoàn thiện các thủ tục cần thiết cho việc gia nhập Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, là một trong các cam kết của Việt Nam trong vòng 2 năm sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Bộ KH&CN cũng đã phối hợp với Bộ Công thương trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT vào ngày 14/6/2019 nhằm thực thi một số cam kết bắt đầu có hiệu lực của Hiệp định CPTPP cũng là một bước chuẩn bị đầu tiên để nghiêm túc thi hành các cam kết về SHTT trong EVFTA”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nhận định Hiệp định EVFTA sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ về việc sửa đổi pháp luật trong nước đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Ông lưu ý “nếu chúng ta không hoàn thiện khung khổ pháp lý và thể chế phù hợp để thực thi cam kết hội nhập, thì có thể sẽ trở thành một đối tượng của trừng phạt thương mại”.

Mặt khác, nhận thức chung về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn thấp, gây ảnh hưởng tới việc thực thi cam kết trong EVFTA. Ông Trần Hữu Linh, tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, “tình trạng xâm phạm quyền SHTT ở nước ta vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp và phổ biến”, đã làm các “nhà đầu tư nản lòng”. “Có thể khẳng định rằng một trong những điểm yếu và thách thức lớn nhất ở nước ta hiện nay chính là hiệu quả thực thi các quy định về SHTT còn thấp”, ông Trần Hữu Linh nói. Do vậy, ông đề xuất, rất cần phải tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng và doanh nghiệp về các cam kết của Hiệp định EVFTA trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thậm chí cần nghiên cứu tăng cường các biện pháp trừng phạt nếu xảy ra vi phạm.

EVFTA là một Hiệp định dự kiến có nhiều đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như quá trình đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu cho Việt Nam. Với EVFTA, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, 85,6% số mặt hàng, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được hưởng thuế 0%. Sau 07 năm, 99,2% số mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.