Dù những biến động trong việc sử dụng đất và thảm phủ mặt đất, sự biến thiên của khí hậu và biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến những phản hồi về chế độ thủy văn của các dòng sông nhiệt đới nhưng các tác động đơn lẻ và kết hợp của chúng vẫn chưa được biết đến một cách rõ ràng.
Trong nghiên cứu mới, TS. Ngô Thanh Sơn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và cộng sự đã sử dụng mô hình SWAT để tìm hiểu về vấn đề này ở dòng sông Nậm Rốm từ năm 1992 đến 2015. Do thiếu dữ liệu cần thiết nên họ đã sử dụng dữ liệu viễn thám để định lượng sự thay đổi về sử dụng đất trong quãng thời gian hơn 20 năm này. Kết quả, họ tìm thấy có sự tương quan rõ ràng giữa biến động sử dụng đất và tình trạng bốc hơi nước, nước thẩm thấu, nước ngầm, nước thủy lợi. Mặt khác, biến đổi khí hậu dẫn đến làm suy giảm tất cả các vấn đề liên quan đến chế độ thủy văn (2,3%), nước thẩm thấu (9,8%), nước bề mặt (11,5%), dòng chảy nước ngầm (10,5%), nước thủy lợi (10,8%). Sự kết hợp giữa biến động sử dụng đất và biến đổi khí hậu dẫn đến suy giảm đáng kể nước ngầm, nước mặt, nước thủy lợi. Trong ngắn hạn, biến đổi khí hậu có tác động rõ rệt đến phản hồi của chế độ thủy văn hơn là biến động sử dụng đất ở lưu vực Nậm Rốm giai đoạn 1992–2015.
Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đã thực hiện một mô phỏng dự đoán tác động lên chế độ thủy văn vào năm 2030 và cho thấy quá trình bốc hơi và dòng chảy mặt đều ảnh hưởng rất lớn đến chế độ thủy văn của Nậm Rốm.
Các kết quả này được trình bày trong “Áp dụng mô hình SWAT để đánh giá tác động của sự thay đổi sử dụng đất và biến khí hậu lên chế độ thủy văn của lưu vực sông Nậm Rốm ở miền Tây Bắc Việt Nam", xuất bản trên tạp chí Environment, Development and Sustainability.
Thanh Nhàn