Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành vừa ban hành tiêu chuẩn Quốc gia 5756:2017 về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện hồi tháng 10/2017. Theo đó, tiêu chuẩn này có khá nhiều điểm mới đáng chú ý.

Hội thảo Giới thiệu các văn bản quản lý chất lượng mũ bảo hiểm và phố biến tiêu chuẩn TCVN 5756: 2017 về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy do Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam phối hợp với Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam tổ chức ngày 25/10 tại TPHCM.

Tại sự kiện này, ông Nguyễn Duy Trinh - Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cho biết - tiêu chuẩn 5756:2017 thay thế cho hai tiêu chuẩn TCVN 5756:2001 và TCVN 6979: 2001 về mũ bảo hiểm cho trẻ em khi tham gia giao thông trên mô tô, xe máy.

Phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn 5756:2017 áp dụng cho các loại mũ bảo hiểm dùng cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện và các loại xe tương tự, khi tham gia giao thông. Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với các loại mũ chuyên dụng dùng cho môn thể thao đua xe hoặc các loại phương tiện khác. Theo đó, mũ bảo hiểm được phân thành 4 loại: mũ che 1/2 đầu, 3/4 đầu, che cả đầu và tai, che cả đầu, tai và hàm với những yêu cầu kỹ thuật sát với thực tế hơn.

Ông Đinh Văn Trữ trao đổi về các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử nghiệm trong TCVN 5756:
Ông Đinh Văn Trữ trao đổi về các yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử nghiệm trong TCVN 5756:2017

Yêu cầu về thử nghiệm va đập và hấp thu xung động trong tiêu chuẩn 5756: 2017 có sự thay đổi. Đó là bỏ phần quy định về độc tố cho phù hợp với quốc tế. Ngoài ra, thuần hóa mẫu khi thử nghiệm có thêm phần nhiệt độ thấp (-10 độ C) để hạn chế dùng nhựa tái sinh. Thông số khi thử nghiệm va đập mũ che 1/2 đầu và 3/4 đầu chỉ thử một lần. Tuy nhiên, hai loại mũ còn lại phải thử hai lần trên cùng một vị trí nên khắc nghiệt hơn. Đây cũng là điểm mới của Tiêu chuẩn 5756: 2017.

Theo ông Đinh Văn Trữ - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ mũ bảo hiểm TPHCM - tiêu chuẩn 5756: 2017 đã được soát xét sau một thời gian dài với những yêu cầu kỹ thuật phù hợp hơn, cụ thể, sát với thực tế hơn so với tiêu chuẩn cũ ở chỉ tiêu va đập và hấp thu xung động. Đồng thời, khi xây dựng Tiêu chuẩn này có tham khảo tiêu chuẩn về mũ bảo hiểm phổ biến là Nhật JIS T 8133: 2007 và cập nhật, hài hòa tương đối với các tiêu chuẩn nước ngoài.