Hơn 70.000 nhân sự tại 150 trường đại học của Vương quốc Anh đã đình công từ ngày 24/11 để phản đối việc trả lương thấp, điều kiện làm việc không bền vững và lương hưu bị giảm.

Đây là một trong những sự kiện đình công lớn nhất trong lịch sử giáo dục đại học của Vương quốc Anh. Nguyên nhân trực tiếp là việc các trường đại học chỉ tăng lương 3% cho năm học 2022–2023, trong khi chi phí sinh hoạt ở Anh tăng và lạm phát vượt quá 11%. Bên cạnh đó, Công đoàn Đại học và Cao đẳng (UCU) cho biết, trung bình nhân sự tại các trường đại học phải làm thêm 2 ngày không lương mỗi tuần, và 1/3 nhân sự đang ký hợp đồng tạm thời.

Người biểu tình tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, vào ngày 24/11 giơ biển "Cuộc biểu tình chính thức của UCU".

Những người đình công yêu cầu tăng lương 13,6% và đảo ngược quyết định giảm lương hưu bắt đầu có hiệu lực từ tháng Tư năm nay, khiến cho thu nhập hưu trí giảm 35%. Quyết định cắt giảm được các trường đại học đưa ra sau khi Chương trình Hưu trí cho các trường đại học (USS) báo cáo đã thâm hụt hơn 14 tỷ bảng Anh vào tháng 3/2020. Nhưng UCU cho biết khoản thâm hụt này đã được giải quyết và báo cáo giám sát tài chính của USS cho thấy dư 1,8 tỷ bảng Anh.

Tổ chức Các trường đại học Anh (Universities UK), đại diện cho khối đại học tại USS, nói rằng ngay cả khi bị cắt giảm, đây vẫn là một trong những chương trình hưu trí tư nhân hấp dẫn nhất ở Anh. Còn Hiệp hội Các nhà tuyển dụng đại học và cao đẳng tuyên bố, đòi hỏi tăng lương là không thực tế bởi nó khiến các trường phải chi thêm khoảng 1,5 tỷ bảng Anh.

Helen Coulshed, nhà hóa học tại King's College London cho biết, một số lãnh đạo đại học kiếm được 500.000 bảng mỗi năm và được trường chi trả cho nhiều nhu cầu xa xỉ, trong khi các nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên phải sử dụng thực phẩm cứu trợ hoặc phải bỏ bữa. Mức độ chênh lệch đó trong một trường đại học là không thể chấp nhận được, theo Coulshed.

Tại King's College London, chênh lệch lương theo giới tính là 15% và chênh lệch lương theo sắc tộc là 19%, Coulshed cho biết thêm. Bà cho rằng bất bình đẳng tiền lương như vậy tạo ra một nền khoa học kém đổi mới.

Ngoài ra, tại King's College London, số sinh viên đã tăng 25% trong hai năm qua, trong khi số nhân sự chỉ tăng 3,9%, khiến quỹ thời gian nghiên cứu bị thu hẹp.

Robert Thomas, nhà sinh vật học tại Đại học Cardiff, cho biết từng tham gia vào các cuộc đình công kể từ khi bắt đầu làm giảng viên tại Đại học Cardiff vào năm 2006, điều này cho thấy hành vi của các cấp quản lý đã gây bất bình trong thời gian dài.

Robert Thomas nói rằng khối lượng công việc giảng dạy cao khiến các nhà khoa học còn rất ít thời gian dành cho nghiên cứu.

Thomas kể, nghiên cứu của ông chủ yếu phải làm tại thực địa, và khối lượng công việc giảng dạy quá mức làm giảm nhiều thời gian dành cho thực địa. Có lúc ông bị phân bổ giờ lên lớp gấp đôi mức tối đa theo quy định của trường, khiến cho trong một tuần làm việc, ông chỉ còn khoảng 60 phút cho hoạt động hướng dẫn nghiên cứu sinh, tự nghiên cứu, soạn thảo báo cáo, bình duyệt. Điều này là không thể chấp nhận ở một trường đại học hiện đại, tập trung vào nghiên cứu, Thomas nói.

Đại học Cardiff không có dữ liệu trung tâm về việc ai đang làm gì, dẫn đến khối lượng công việc quá tải một cách nguy hiểm đối với nhiều cá nhân mà không được ghi nhận chính thức, theo Thomas.

Richard Harris, nhà địa lý tại Đại học Bristol, cho biết ông không thường tham gia đình công, nhưng lần này là ngoại lệ. Đây là năm thứ 12 liên tiếp giới quản lý khoa học ở Anh đưa ra mức tăng lương dưới mức lạm phát, đồng nghĩa với việc thù lao cho nhân sự ngày càng ít đi, Harris giải thích. Tăng lương 3% nhưng lạm phát 11% có nghĩa là nhân sự bị giảm 8% lương tính theo sức mua, hay mất một tháng lương trong một năm.

Bên cạnh đó, Harris cho rằng việc giảm lương hưu sẽ làm cho nền khoa học kém bền vững. "Bởi vì mọi người sẽ và đã bắt đầu rời đi. Học thuật đang trở thành một công việc ít hấp dẫn hơn đối với các nghiên cứu sinh", Harris nói.

Nguồn: