Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Psychiatry vào ngày 19/12, giáo sư Damian Santomauro tại Đại học Washington và các cộng sự phát hiện rối loạn phổ tự kỷ (ASD) là một trong 10 vấn đề sức khỏe không gây tử vong lớn nhất đối với những người trẻ dưới 20 tuổi.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 105 nghiên cứu ở 33 quốc gia để đưa ra kết quả này. Họ phát hiện có khoảng 62 triệu người trên toàn cầu mắc bệnh tự kỷ vào năm 2021, với tỷ lệ bệnh nhân nam giới cao gấp đôi nữ giới. Tỷ lệ tự kỷ tăng mạnh từ mức 1/271 người vào năm 2019 lên mức 1/127 người vào năm 2021. Sự gia tăng chủ yếu là do các phương pháp phát hiện và chẩn đoán bệnh tự kỷ ngày càng cải tiến, thay vì do số ca mắc thực tế tăng lên.
Nếu chỉ xét riêng tỷ lệ mắc bệnh tự kỷ ở trẻ em, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính hiện nay cứ 36 trẻ em thì có một trẻ mắc bệnh tự kỷ. Tiếng ồn, mùi hương, sự thay đổi thói quen và khách đến nhà có thể gây căng thẳng và sợ hãi cho trẻ bị tự kỷ.
Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm bệnh tự kỷ ở trẻ em để giúp họ tiếp cận các liệu pháp điều trị phù hợp, qua đó giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp, cải thiện chất lượng cuộc sống và hòa nhập tốt hơn vào cộng đồng.
Nguồn: Medicalxpress.com
Tin đăng KH&PT số 1324+1325 (số 52/2024+1/2025)
Quốc Hùng và nhóm tác giả lược dịch