Những mẫu đá quý giá từ Mặt trăng do sứ mệnh Chang’e 5 của Trung Quốc mang về Trái đất năm 2020 đã được chia sẻ với các nhà nghiên cứu quốc tế từ nhiều quốc gia ở châu Âu, cũng như Ethiopia, Nga và Mỹ.

Các kỹ thuật viên lấy mẫu vật Mặt trăng từ tàu Chang’e 5. Ảnh: CAS
Các kỹ thuật viên lấy mẫu vật Mặt trăng từ tàu Chang’e 5. Ảnh: CAS

Tại các nước khác, các cơ quan do chính phủ tài trợ đang chi trả cho việc phân tích những mẫu vật này, nhưng NASA lại bị cấm tài trợ cho các nhà nghiên cứu làm việc tại Mỹ làm điều tương tự. Nguyên nhân là do đạo luật Tu chính án Wolf được thông qua vào năm 2011, trong đó cấm mọi hợp tác song phương giữa NASA (và các nhà khoa học được NASA tài trợ) với Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) và các nhà khoa học Trung Quốc, nhằm ngăn các nhà khoa học Trung Quốc tiếp cận công nghệ vũ trụ của Mỹ mà Chính phủ Mỹ lo ngại có thể bị sử dụng vào mục đích quân sự chống lại nước này.

Vì vậy, Timothy Glotch, nhà khoa học hành tinh người Mỹ duy nhất nhận được mẫu vật từ sứ mệnh Chang’e 5, đã phải sử dụng nguồn tài trợ tư nhân từ chính trường đại học của mình - ĐH Stony Brook.

Việc các nhà nghiên cứu Mỹ được tiếp cận mẫu Chang’e 5 rất quan trọng vì họ có thể so sánh trực tiếp các mẫu vật thời kỳ Apollo với mẫu Chang’e 5 trong cùng một phòng thí nghiệm. Glotch dự định kiểm tra tính chất nhiệt của mẫu được cho mượn bằng cách nung nóng nó, sau đó so sánh với các bản đồ nhiệt của Mặt trăng nhằm hiểu rõ hơn về thành phần của các vùng Mặt trăng khác nhau dựa trên cách chúng hấp thụ và tỏa nhiệt dưới ánh sáng Mặt trời, so với mẫu Chang’e 5.

Nguồn: Space.com

Tin đăng KH&PT số 1345 (số 21/2025)