Các nhà khoa học của Nga và Ấn Độ đặt mục tiêu trong vòng 7-10 năm sẽ khiến tên lửa hành trình BrahMos đạt vận tốc Mach 7 (gấp 7 lần tốc độ âm thanh, khoảng 2,38 km/giây).

Theo Sudhir Kumar Mishra, giám đốc điều hành Công ty BrahMos Aerospace (đơn vị sản xuất tên lửa cùng tên): “Chúng tôi đang làm việc để gia tăng tốc độ của tên lửa theo từng giai đoạn. Hiện tại BrahMos có vận tốc Mach 2,8 (1 km/giây). Trong 3-5 năm tới sẽ đạt tới Mach 5 (1,7 km/ giây). Sau đó sẽ là tốc độ cực siêu thanh Mach 7 trong 7-10 năm nữa”.

Ông Mishra cho biết mục đích của việc tăng tốc BrahMos là để tên lửa này đáp ứng được yêu cầu của chiến thanh thế hệ tiếp theo. Để BarhMos đạt đến ngưỡng cực siêu thanh, các nhà khoa học phải tiến hành cải tiến động cơ.

Không chỉ phía Nga, những nhà khoa học của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ và Viện Khoa học Ấn Độ cũng đang nghiên cứu công nghệ giúp đạt mục tiêu tăng tốc cho BrahMos.

Ấn Độ đã đạt được khả năng phóng BrahMos từ đất liền, trên biển lẫn trên không - Ảnh: Defense World

Ấn Độ đã đạt được khả năng phóng BrahMos từ đất liền, trên biển lẫn trên không - Ảnh: Defense World

Theo đánh giá của trang National Interest, BrahMos là một trong 5 tên lửa diệt hạm nguy hiểm nhất mọi thời đại và là tên lửa diệt hạm tầm thấp nhanh nhất thế giới. Tên lửa có hai tầng giúp đẩy tốc độ lên Mach 2,8; tầm bắn tối đa 290km nhưng có thể được nâng lên thành 300-500km; có thể bay cách mặt biển 10m; mang được đầu đạn 200-300kg.

Tháng 11.2017, Bộ Quốc phòng Ấn Độ tuyên bố phóng thành công BrahMos từ máy bay Sukhoi- 30MKI. Với vụ thử này, “tam giác” tên lửa hành trình chiến thuật của New Delhi đã hoàn thiện, BrahMos có thể được phóng từ đất liền, trên biển lẫn trên không (trước đó tên lửa đã được phóng thành công từ bệ phóng đất liền và từ tàu chiến).

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Nirmala Sitharaman vào tháng trước cho biết nước này đang thương lượng xuất khẩu BrahMos sang một số quốc gia, trong đó có các nước Đông Nam Á.