Công nghệ này có tiềm năng ứng dụng trong đời sống, ví dụ như chế tạo bàn làm việc hoặc hàng rào phát sáng.

Các mẫu gỗ phát quang sinh học. Ảnh: Newatlas
Các mẫu gỗ phát quang sinh học. Ảnh: Newatlas

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advanced Science, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Vật liệu Cellulose và Gỗ, Empa (Thụy Sĩ) đã phát triển thành công một loại gỗ phát sáng trong bóng tối bằng cách sử dụng nấm phát quang sinh học.

Công nghệ này có tiềm năng ứng dụng trong đời sống, ví dụ như chế tạo bàn làm việc hoặc hàng rào phát sáng.

Trong tự nhiên, một số loài nấm có khả năng phát sáng khi phân hủy gỗ, nhưng hiện tượng trên rất hiếm gặp và khó tái tạo. Trải qua nhiều nỗ lực, các nhà khoa học đã mô phỏng những điều kiện cần thiết để kích hoạt quá trình phát quang tương tự trong phòng thí nghiệm.

Bằng cách kết hợp loài nấm Desarmillaria tabescens (nấm mật ong không vòng) và gỗ balsa, họ tạo ra gỗ phát sáng màu xanh lục ở bước sóng 560 nanomet.

Quá trình thí nghiệm yêu cầu nấm và gỗ được ủ chung trong môi trường rất ẩm ướt trong ba tháng. Gỗ balsa hấp thụ lượng nước gấp tám lần trọng lượng ban đầu. Ánh sáng bắt đầu xuất hiện khi gỗ tiếp xúc với oxy, kích hoạt enzyme luciferase trong nấm – hợp chất cũng có trong đom đóm – phát ra ánh sáng xanh.

Nấm phân hủy thành phần lignin trong gỗ, nhưng nó không phá vỡ cellulose nên không làm ảnh hưởng đến độ bền tổng thể của gỗ.

Nhóm nghiên cứu đang tìm cách tăng cường độ sáng và tuổi thọ của loại gỗ mới, hướng đến mục tiêu ứng dụng vào các hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng cho nhà ở và không gian công cộng trong tương lai.

Nguồn: Newatlas.com

Tin đăng KH&PT số 1321 (số 49/2024)