Ngày 4/11/2019, Chính quyền Trump đã bắt đầu quá trình chính thức rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Quá trình này mất tối thiểu một năm, do đó nếu hồ sơ đệ trình lên Liên Hợp Quốc được xử lý ngày 4/11/2019, Hoa Kỳ sẽ không còn là thành viên của Thỏa thuận Paris kể từ ngày 4/11/2020 - một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống và một tuần trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu COP26 tổ chức ở Anh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng tham gia Thỏa thuận Paris sẽ gây tổn hại cho nước Mỹ về kinh tế. Ảnh: Mark Wilson/Getty.

“Bằng việc xúc tiến sự rút lui này, Chính quyền Trump đã một lần nữa thể hiện sự thiếu tôn trọng các đồng minh, nhắm mắt làm ngơ trước sự thật và tiếp tục chính trị hóa thách thức môi trường lớn nhất thế giới", Thượng nghị sĩ Bob Menendez (đảng Dân chủ, bang New Jersey), Thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói.

“Một lần nữa, Tổng thống Trump đang từ bỏ các đồng minh toàn cầu của chúng ta vì lợi ích chính trị không đúng chỗ. Giờ đây, Mỹ đứng một mình - gần 200 quốc gia đã tham gia cam kết toàn cầu này để chống biến đổi khí hậu, thậm chí cả những quốc gia cô lập như Bắc Triều Tiên và những nước bị chiến tranh tàn phá như Syria", theo Thượng nghị sĩ Tom Carper (đảng Dân chủ, bang Delaware).

Mối đe doạ biến đổi khí hậu đối với người Mỹ hiện nay thậm chí còn rõ ràng hơn so với hai năm trước, khi Trump lần đầu tiên tuyên bố ý định rút khỏi Thỏa thuận Paris. Theo Báo cáo Đánh giá Khí hậu Quốc gia do những nhà khoa học Mỹ hàng đầu công bố, biến đổi khí hậu đã tác động lên mọi lĩnh vực và khu vực ở Mỹ; đe doạ sức khoẻ, nhà cửa và sinh kế của hàng triệu người Mỹ.

Tháng 7 vừa qua là tháng nóng nhất trong lịch sử Mỹ; và 5 năm trở lại đây là những năm nóng nhất từng được ghi nhận.

Nước Mỹ đã chịu tổn thất trên 400 tỷ USD do các thảm hoạ thời tiết và khí hậu gây ra kể từ năm 2014. Dự báo kinh tế Mỹ sẽ mất hàng trăm tỷ USD mỗi năm do tác động của biến đổi khí hậu cho đến cuối thế kỷ này.

Nước biển dâng, sự gia tăng các trận bão lớn và ngập lụt đe doạ hạ tầng và các tài sản ven biển trị giá 1.000 tỷ USD.

Việc rút khỏi Thoả thuận Paris cũng sẽ khiến Mỹ mất đi các cơ hội về tài chính rất lớn. Việc chuyển dịch sang nền kinh tế carbon thấp được dự báo tạo ra trên 26.000 tỷ USD lợi ích kinh tế trên toàn cầu cho đến năm 2030.

"Tổng thống cũng đang từ bỏ cơ hội kinh tế to lớn để tạo ra hàng triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch, cùng với các lợi ích sức khỏe cộng đồng đi kèm với không khí sạch hơn để thở và một hành tinh lành mạnh hơn", Thượng nghị sĩ Tom Carper nói.

Tuy nhiên trong khi chính phủ liên bang Hoa Kỳ lùi bước, các bang, thành phố và doanh nghiệp của nước này vẫn đẩy mạnh những nỗ lực giảm phát thải đầy tham vọng. Họ đã phản ứng với quyết định rút lui của Nhà Trắng bằng cách tiết lộ kế hoạch huy động một phái đoàn đại diện cho các nhà lãnh đạo Mỹ (không phải cấp liên bang) tại các cuộc đàm phán về khí hậu ở COP25 sắp tới ở Madrid. Tại đó, họ cũng sẽ tổ chức Trung tâm Hành động Khí hậu của Hoa Kỳ.

Đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp Liên minh We Are Still In - liên minh phản đối việc Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận Paris - với sự lãnh đạo và hậu thuẫn tài chính của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về hành động chống biến đổi khí hậu Michael Bloomberg, tham gia để lấp đầy khoảng trống khi lãnh đạo cấp liên bang Hoa Kỳ không tham dự các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc.

“Đa số người Mỹ phản đối từ bỏ Thỏa thuận Paris. Người Mỹ muốn hành động để chống biến đổi khí hậu, và công chúng sẽ thực hiện những gì Washington không làm", Michael R. Bloomberg nói.

Bất chấp quyết định của Trump, một số phân tích công bố năm ngoái cho thấy các cam kết khí hậu từ các nhà lãnh đạo (không phải cấp liên bang) của Hoa Kỳ có thể đáp ứng đầy đủ hai phần ba mục tiêu của Hoa Kỳ theo hiệp định Paris. Kể từ đó, các thành viên và doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đẩy nhanh hơn nữa việc thực hiện và cam kết hành động nhiều hơn nữa.

"Tuy nhiên sẽ không có gì ngạc nhiên khi những việc làm đó [quyết định rút lui của chính quyền Trump] không thể phá hoại sự đồng thuận rất cao vốn đã tạo ra một phản ứng toàn cầu đối phó với biến đổi khí hậu. Tôi cùng với đa số người dân yêu cầu Hoa Kỳ phục hồi vai trò lãnh đạo của mình trong việc bảo vệ hành tinh của chúng ta và đảm bảo cho một tương lai năng lượng sạch", Thượng nghị sĩ Bob Menendez nói.

Liên minh các bang, thành phố và doanh nghiệp Hoa Kỳ đã cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris hiện chiếm gần 70% GDP của Hoa Kỳ và gần 65% dân số Hoa Kỳ.

Năm 2019, bảy bang mới đã ban hành luật năng lượng sạch 100%; các cam kết tương tự đã được đưa ra ở năm bang nữa.

62 công ty, bao gồm nhiều công ty trong Fortune 500, đã cam kết sử dụng 100% năng lượng sạch. Apple Inc., Bank of America, Starbucks và các công ty khác đã thực hiện cam kết RE100 (năng lượng sạch 100) có mức vốn hóa thị trường trên 7,8 ngàn tỷ USD.

Sự ủng hộ Thỏa thuận Paris và hành động chống biến đổi khí hậu cũng đã tăng lên trên khắp nước Mỹ.

Hơn ba phần tư (77%) cử tri đã đăng ký bầu cử ủng hộ Hoa Kỳ tiếp tục tham gia Thỏa thuận Khí hậu Paris, bao gồm hầu hết tất cả các cử tri đảng Dân chủ (92%), ba phần tư cử tri không đảng phái (75%), và đa số cử tri đảng Cộng hòa (60%), theo thống kê của Chương trình Yale về Truyền thông biến đổi khí hậu - một trung tâm nghiên cứu của Trường Nghiên cứu Môi trường và Lâm nghiệp Yale.

Hoa Kỳ sẽ vẫn là một bên tham gia Thỏa thuận Paris ít nhất là đến tháng 11/2020 và, tùy thuộc vào kết quả bầu cử tổng thống, có thể tái gia nhập Thoả thuận Paris.

Nguồn:

Media Climate Net (MDI)