Cha mẹ Việt Nam dành trung bình 10 giờ mỗi tuần để giúp con làm bài tập, cao thứ nhì trong số 29 nước được khảo sát.

Bài tập về nhà không chỉ là gánh nặng đối với trẻ em mà cả các bậc phụ huynh. Họ phải đánh vật hoặc thậm chí phải bồi bổ thêm kiến thức để có thể giúp con hoàn thành bài tập.

Khảo sát mới đây ở 29 nước của Varkey Foundation, một tổ chức thiện nguyện trong lĩnh vực giáo dục, cho thấy cha mẹ ở các nền kinh tế mới nổi dành nhiều thời gian giúp con làm bài tập nhiều hơn cha mẹ ở các nước giàu.

Ở Ấn Độ, cha mẹ dành trung bình 12 giờ mỗi tuần hỗ trợ con học – nhiều hơn 5 giờ so với mức trung bình của thế giới. Ngược lại, ở Phần Lan và Nhật Bản, cha mẹ chỉ dành trung bình khoảng 3 giờ cho việc này. Thực tế, chỉ 5% người được hỏi ở Phần Lan cho biết họ đã dành ít nhất 7 giờ để giúp con làm bài tập, trong khi 31% không dành chút thời gian nào.

Việt hóa biểu đồ: Quốc Hùng
Nguồn: Varkey Foundation. Việt hóa biểu đồ: Quốc Hùng

Bên cạnh tìm hiểu số thời gian cha mẹ giúp con học, cuộc khảo sát còn nêu câu hỏi, họ có cảm thấy đã dành số thời gian phù hợp để giúp con hay chưa. Phần lớn các bậc cha mẹ ở Ấn Độ và Việt Nam có câu trả lời là “có”. Ở Uganda, Peru, Malaysia và Brazil, hơn 40% cha mẹ cảm thấy buồn lo vì chưa dành đủ thời gian. Ngược lại, người Pháp lại có thái độ “mặc kệ”: chỉ có 11% cha mẹ dành từ 7 giờ trở lên giúp con học mỗi tuần nhưng chỉ 22% cảm thấy họ đã dành quá ít thời gian cho con.

Lý do không giúp con học tất nhiên cũng rất đa dạng. Quá nửa số người được khảo sát nói họ quá bận. Trình độ học vấn của bản thân cha mẹ là một lý do nữa. Khoảng 50% số người được khảo sát ở Trung Quốc lo rằng họ thiếu kiến thức về các môn học, so với con số trung bình của thế giới là 29%.

Tuy nhiên điều lạc quan là, không phải lúc nào trẻ em cũng muốn cha mẹ giúp làm bài tập: đây cũng là lý do khiến 44% các bậc cha mẹ ở Phần Lan không giúp con làm bài tập, cao nhất trong số các nước được khảo sát. Và có lẽ họ cũng không cần giúp bởi Phần Lan nằm trong số 10 nước đứng đầu thế giới ở các cuộc kiểm tra trình độ học sinh quốc tế.