Các đập thủy điện mới được xây dựng đang làm thay đổi sông Mê Kông tại Campuchia và chúng có khả năng đe dọa sự di cư của loài cá, sinh kế và an ninh lương thực khu vực.

Một nghiên cứu mới từ Đại học Illinois và Đại học bang Iowa Hoa Kỳ công bố trên Tạp chí Soil and Water Conservation đã đưa ra gợi ý rằng các quan chức chính phủ Campuchia nên hợp tác với người dân địa phương, những người có kiến ​​thức sâu về dòng sông, để giải quyết các vấn đề. Theo họ, kinh nghiệm của người dân cùng với những phát hiện kỹ thuật và khoa học là điều rất quan trọng để có thể phát triển các chiến lược hiệu quả giúp thích ứng với sự thay đổi dòng chảy và tài nguyên của dòng sông.

Kenneth Olson, giáo sư danh dự tại Khoa Tài nguyên và Môi trường tại Đại học Illinois, phát biểu trong thông cáo báo chí rằng: "Chỉ có hơn một nửa dân số Campuchia được tiếp cận với điện do quá trình nội chiến nhiều năm đã phá hủy đi cơ sở hạ tầng và cản trở quá trình hiện đại hoá". Ông cũng cho rằng: "Thủy điện là một phần không thể thiếu của quá trình hiện đại hoá. Tuy nhiên, sử dụng nguồn nước để cung cấp năng lượng đã tạo ra nhiều khó khăn cho ngư dân và nông dân."

Sông Mê Kông và Hồ Tonle Sap và khu vực sông có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan Campuchia. Sông Tonle Sap là một nhánh của sông Mekong, nối với hồ Tonle Sap phía tây bắc Phnom Penh, thủ đô của Campuchia."Hệ thống thủy văn phức tạp và độc đáo này chịu ảnh hưởng mạnh của gió mùa châu Á", Olson viết. "Vào mùa gió, diện tích bề mặt hồ Tonle Sap mở rộng gấp bốn lần so với mùa khô và giữ nước nhiều hơn chín lần. Mực nước bề mặt có thể thay đổi hơn 30 feet, vì vậy nhà ở khu vực này thường là nhà nổi hoặc nhà sàn".

Hiện tượng này xảy ra do ngập lụt theo mùa bắt đầu từ tháng 5 và tháng 6, khiến nước sông Mekong đổ lại sông Tonle Sap và hồ. Khi trời mưa vào tháng 11 và mực nước ở sông Mê Kông bắt đầu giảm, dòng chảy ở sông Tonle Sap đảo ngược và trở thành một nhánh sông một lần nữa. Điều đó có nghĩa là con sông nhỏ này chảy về phía tây bắc vào hồ trong vòng sáu tháng trong một năm, và sau đó đảo ngược và chảy vào sông Mekong trong sáu tháng còn lại.

Lũ lụt mang đến trầm tích và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng và nghề cá. Nhưng sự gia tăng bồi lắng cũng có thể khiến dịch vụ tàu thuyền giữa thủ đô và các trung tâm khu vực khác phải đóng cửa bởi vì nó làm cho các hồ đã cạn lại còn cạn hơn theo thời gian.

Hiện nay, Campuchia có kế hoạch xây dựng thêm 11 đập trên thân chính của hạ nguồn sông Mekong. Tuy nhiên, các nhà khoa học sinh thái và các nhà môi trường sông lại quan tâm đến việc các con đập sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các dòng chảy hạ lưu và các mô hình lũ theo mùa mà các đàn chim, cá và thực vật đã thích nghi theo thời gian.

Việc di cư của loài cá là mối quan tâm lớn nhất do sự phụ thuộc vào cá của Campuchia đối với chất đạm chất lượng cao và an ninh lương thực vì một trong những đập đang được xây dựng sẽ ngăn chặn sự di cư của loài cá và có thể gây ngập lụt.

"Tạo được sự cân bằng giữa sản xuất thủy điện, an ninh lương thực và sinh kế cho ngư dân rất khó khăn và phức tạp. Thêm vào đó, phát triển một kế hoạch quản lý tài nguyên tổng hợp không phải là một nhiệm vụ dễ dàng", Olson nói. "Các phương pháp tiếp cận có sự tham gia rộng rãi của cư dân địa phương trong quá trình trao đổi thông tin khoa học và kỹ thuật có thể cải thiện việc đưa ra quyết định và đáp ứng tốt hơn mục tiêu của chính phủ, ngành công nghiệp và nông thôn."

Người nuôi cá và nông dân có thể tiếp tục thích nghi nếu họ có cơ hội, nguồn lực và công cụ, ông nói. Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến Campuchia - chúng ảnh hưởng đến an ninh lương thực của người dân thành thị trên khắp Đông Nam Á.