Kính viễn vọng không gian James Webb đã phát hiện những vật thể có vẻ là 6 thiên hà khổng lồ cổ đại. Các nhà thiên văn học đang gọi đây là "những kẻ phá bĩnh" vì sự tồn tại của chúng có thể làm đảo lộn các lý thuyết vũ trụ học hiện tại.

Phát hiện được công bố ngày 22/2 trên tạp chí Nature.

Các quan sát đến từ tập dữ liệu đầu tiên do kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) của NASA cung cấp. JWST được trang bị các thiết bị cảm biến hồng ngoại có khả năng phát hiện ánh sáng phát ra từ các ngôi sao và thiên hà cổ xưa nhất. Trong khi sàng lọc hình ảnh, Tiến sĩ Erica Nelson (Đại học Colorado Boulder) và một đồng tác giả đã phát hiện một loạt "chấm mờ" bất thường có màu đỏ tươi.

Màu đỏ trong thiên văn học đại diện cho tuổi đời của vật thể, bởi vì khi ánh sáng truyền qua vũ trụ đang giãn nở, nó bị kéo dài ra hoặc và dịch chuyển dần thành màu đỏ. Những thiên hà mới được phát hiện dường như có tuổi đời khoảng 13,5 tỷ năm, hình thành khoảng 500-700 triệu năm sau vụ nổ lớn.

Nguồn ảnh: Nasa

Đây không phải là những thiên hà cổ nhất mà James Webb đã quan sát được. Tháng 12 năm ngoái, các nhà khoa học đã phát hiện các thiên hà có niên đại khoảng 350 triệu năm sau vụ nổ lớn. Nhưng điều đáng ngạc nhiên ở các thiên hà mới được phát hiện là chúng có kích thước lớn hơn nhiều so với những thiên hà được phát hiện năm ngoái.

“Chúng tôi dự kiến chỉ tìm thấy các thiên hà nhỏ và trẻ, hình thành sớm trong vũ trụ, nhưng chúng tôi đã phát hiện các thiên hà trưởng thành từ ngay buổi bình minh của vũ trụ", Joel Leja - nhà thiên văn học và vật lý thiên văn tại Đại học Bang Penn và là đồng tác giả nghiên cứu - cho biết. "Phát hiện khiến toàn bộ bức tranh về sự hình thành thiên hà bị nghi ngờ."

Các mô hình hiện có cho thấy rằng sau một thời gian mở rộng nhanh chóng, vũ trụ đã trải qua vài trăm triệu năm, trở nên đủ nguội để khí kết hợp lại và sụp đổ thành những ngôi sao đầu tiên và các thiên hà bắt đầu hình thành.

“Việc phát hiện những thiên hà khổng lồ như vậy ngay sau vụ nổ lớn cho thấy rằng rốt cuộc thời kỳ đầu của vũ trụ có thể không quá tối tăm, và có thể đã tràn ngập sự hình thành sao sớm hơn chúng ta nghĩ", Tiến sĩ Emma Chapman, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Nottingham nhận định. Đồng thời, Chapman cho rằng cần quan sát thêm để xác nhận khám phá trước khi có thể loại bỏ các mô hình vũ trụ hiện có.

Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch thu thập các hình ảnh quang phổ, có thể cung cấp thông tin khoảng cách và ước tính khối lượng chính xác hơn. “Quang phổ sẽ ngay lập tức cho chúng ta biết những thứ này có thật hay không”, Leja nói.

Nguồn: