Thuốc lá điện tử tiếp tục được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới, khi nhiều người xem chúng như là lựa chọn an toàn hơn so với hút thuốc lá truyền thống. Nhưng những tác động lâu dài của việc sử dụng thuốc lá điện tử vẫn chưa được biết đến.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Minnesota cho rằng thuốc lá điện tử có thể biến đổi vật liệu di truyền hay ADN của các tế bào trong miệng người sử dụng, làm tăng nguy cơ ung thư.


TS. Silvia Balbo, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: “Rõ ràng, chất gây ung thư phát sinh từ việc đốt thuốc lá truyền thống nhiều hơn so với hơi thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thực sự xác định rõ tác động của việc hít cùng một lúc tất cả các hợp chất do thiết bị này sản sinh. Các mối đe dọa khác nhau không có nghĩa là thuốc lá điện tử hoàn toàn an toàn”.

Để mô tả sự phơi nhiễm hóa chất trong quá trình hút thuốc lá điện tử, các nhà nghiên cứu đã lựa chọn 5 người hút thuốc lá điện tử. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu nước bọt của những người tham gia trước và sau một đợt hút thuốc trong 15 phút và phân tích các mẫu hóa chất được biết là gây tổn thương ADN. Để đánh giá hiệu quả lâu dài của việc hút thuốc lá điện tử, nhóm nghiên cứu đã đánh giá tổn thương ADN trong các tế bào của miệng các tình nguyện viên. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp dựa vào khối phổ trước đây do họ phát triển cho một nghiên cứu khác, trong đó, tổn thương ADN trong miệng được đánh giá là do uống rượu.

Nhóm nghiên cứu đã xác định được ba hợp chất gây tổn hại ADN bao gồm formaldehyde, acrolein và methylglyoxal với nồng độ gia trong nước bọt sau khi những người giam gia hút thuốc lá điện tử. So với nhóm đối chứng, 4 trong 5 người hút thuốc lá điện tử bị tổn thương ADN gia tăng do phơi nhiễm acrolein. Loại tổn thương được gọi là addut ADN, xuất hiện khi các hóa chất độc hại như acrolein phản ứng với ADN. Nếu tế bào không sửa chữa tổn thương, thì việc sao chép ADN bình thường vẫn diễn ra, như vậy, ung thư có thể xuất hiện.