Vì sao con người cảm thấy dễ chịu khi tiếp xúc với một số cảnh quan thiên nhiên? Những kiến thức về vấn đề này có thể được áp dụng theo cách nào trong kiến trúc và trị liệu tâm lý?
Những câu hỏi nêu trên được Rachel và Stephen Kaplan, hai giáo sư tâm lý học tại Đại học Michigan (Mỹ), giải đáp một phần trong cuốn sách “The experience of nature: A psychological perspective” (Trải nghiệm thiên nhiên: Một góc nhìn tâm lý, 1989), một tác phẩm ảnh hưởng đến cách tiếp cận cảnh quan thiên nhiên của nhiều thế hệ kiến trúc sư và nhà tâm lý học.[1]
Sở thích về cảnh quan của một người, dù là cảnh thiên nhiên hay nhân tạo, thường ít nhiều bị chi phối bởi nền tảng văn hóa, trình độ học thức và gu thẩm mỹ. Vậy lòng yêu thiên nhiên của con người chỉ xuất hiện do văn hóa, hay còn liên quan đến những đặc tính bẩm sinh của cơ thể người, hình thành sau hàng triệu năm tiến hóa để thích nghi? Để trả lời câu hỏi này, hai tác giả đã nghiên cứu cách con người nhận thức và đánh giá các cảnh quan, thông qua một thí nghiệm.
Vào thập niên 1980, khi cuốn sách được viết, ngành tâm lý học nhận thức đang trải qua một cuộc cách mạng. Năm 1978, nhà tâm lý học Eleanor Rosch đã chứng minh rằng con người nhận thức các phạm trù (categories) thông qua các điển dạng (prototypes) – chẳng hạn, họ nhận thức phạm trù “ghế” qua hình ảnh của một cái ghế điển hình có lưng ghế, chỗ ngồi, bốn chân và hai tay tựa. Vì con người tư duy bằng các phạm trù, và vì từ thời Socrates, triết học phương Tây đã không ngừng tin rằng con người định nghĩa các phạm trù thông qua các đặc tính chung thay vì qua một hình ảnh cụ thể, phát hiện của Rosch đã đảo lộn mọi hiểu biết về cách thức con người tư duy.[2] Kế thừa con đường mà Rosch và những người nối tiếp đã mở ra, vợ chồng Kaplan thiết kế “phương pháp nhận diện phạm trù” (Category-Identifying Methodology, CIM), và dùng nó trong thí nghiệm đang đề cập
Trước hết, họ chuẩn bị một loạt ảnh chụp các cảnh quan thiên nhiên và đô thị khác nhau – như rừng, công viên, khu phố… – và xếp chúng lẫn lộn. Tiếp đó, họ đề nghị những người tham gia thí nghiệm đánh giá các cảnh quan này trên thang điểm từ 1 đến 5, với 1 điểm là “Không thích chút nào” và 5 điểm là “Rất thích”. Bằng cách áp dụng các mô hình thống kê, hai tác giả nhóm những hình ảnh được nhiều người chấm điểm ngang nhau lại, rồi phân tích xem chúng có điểm gì chung, từ đó rút ra cách con người phân loại cảnh quan thành các phạm trù khác nhau. Sau cùng, họ so sánh cách chấm điểm của những nhóm người có xuất thân và trình độ học vấn khác nhau, để xem văn hóa có hay không chi phối toàn bộ gu thẩm mỹ phong cảnh.
Kết quả thí nghiệm cho thấy những người tham gia đã phân loại cảnh quan theo hai cách chính. Cách thứ nhất là phân loại theo nội dung – như “cảnh có công trình” (nhà ở, nhà máy), “cảnh có nước” (sông, hồ, suối), “cảnh có cây rậm rạp” (rừng, công viên)… Người ta chấm điểm thấp nhất cho các cảnh có lượng công trình áp đảo, hoặc mô tả một bãi đất hay gian phòng trống và chấm điểm cao nhất cho các cảnh có nhiều yếu tố thiên nhiên. Để lý giải kết quả này, vợ chồng Kaplan đặt giả thuyết rằng bản năng sinh tồn khiến con người yêu thích các cảnh quan bao gồm sự sống và nguồn nước.
Ở cách thứ hai, những người tham gia thí nghiệm phân loại cảnh quan theo cấu trúc không gian (chẳng hạn: cảnh có tầm nhìn mở, cảnh có lối đi quanh co, cảnh bị cắt vụn…). Những cảnh được yêu thích nhất thường hội đủ bốn yếu tố sau: (1) có bố cục rõ ràng, (2) có thể dễ dàng định hướng và tìm lối đi khi đứng trong đó, (3) có nhiều chi tiết để nhìn và tìm hiểu, nhưng không gây rối mắt, và (4) có những vùng bí ẩn khơi gợi trí tò mò của người xem, chẳng hạn chân trời chìm trong màn sương hoặc thứ nằm sau ngã rẽ của một lối đi khúc khuỷu. Hai tác giả nhận xét rằng những cảnh quan hội đủ bốn tính chất vừa nêu sẽ cùng lúc đáp ứng hai nhu cầu nhận thức có phần đối nghịch nhau của con người, là nhu cầu “hiểu” (chỗ này có an toàn không? có thể dễ dàng tìm đường đi, lối thoát không?) và nhu cầu “khám phá” (chỗ này có các tài nguyên đa dạng hoặc chưa được tìm khấy không? có chỗ trốn khi gặp nguy hiểm không?). Và vì các nhóm người khác nhau về xuất thân, trình độ học vấn, độ tuổi… đều đánh giá cao cảnh quan thiên nhiên và các yếu tố không gian vừa nêu, vợ chồng Kaplan kết luận rằng đây là những sở thích mang tính phổ quát, do quá trình tiến hóa của cơ thể người quyết định. Bổ sung vào bức tranh này là các khác biệt nhỏ giữa các nhóm dân cư: những người quen tiếp xúc với thiên nhiên (như cư dân nông thôn, người thường xuyên đi dã ngoại…) có khuynh hướng ưa thích các cảnh quan thuần thiên nhiên hơn cư dân thành thị, trong khi trẻ em có khuynh hướng ưa thích các cảnh quan khơi gợi sự tò mò hơn người lớn.
Vậy thiên nhiên tác động đến tâm lý của con người theo cách nào? Để trả lời câu hỏi này, nhóm tác giả đã thực hiện một thí nghiệm khác. Họ tổ chức các khoá dã ngoại trong rừng, kéo dài từ 7 đến 21 ngày, trong đó người tham gia phải cắm trại, di chuyển bằng sức người (chèo thuyền, đi bộ), tự lo việc ăn uống, sinh tồn, và ở một mình trong vòng 24 giờ hoặc hơn. Bảng hỏi mà mọi người điền trước và sau chuyến đi, cùng nhật ký mà họ viết trong chuyến đi, sẽ được phân tích trên phương diện ngôn ngữ học để tìm hiểu các tác động mà thiên nhiên mang lại cho tâm lý.
Sau chuyến đi dài ngày trong rừng, những người tham gia thí nghiệm đều trải qua một sự tái cấu trúc nhận thức. Chẳng hạn, một người từng tức giận với gia đình cảm thấy mình cần gọi cho mẹ, một người từng cảm thấy trống rỗng muốn vẽ tranh trở lại, một người từng kiệt sức vì công việc giờ nhận thấy mình không thể làm hài lòng tất cả những người xung quanh…
Chuyến đi giúp họ nhìn rõ những điều quan trọng nhất trong cuộc sống của mình, và biết mình nên thay đổi lối sống theo cách nào. Sự chuyển đổi này xuất phát từ một lý do khá đơn giản: nhờ cắt đứt với vòng xoáy thường nhật trong xã hội công nghiệp, họ không còn bị phân tán tâm trí vào các công việc, trách nhiệm, lịch trình, thiết bị điện tử, tiếng ồn đô thị, lựa chọn tiêu thụ… Khi không còn bị bủa vây bởi những việc “buộc phải làm”, họ có khoảng trống để nhìn lại, định vị và tìm đường cho bản thân. Những thay đổi này còn được thúc đẩy bởi việc tự do đi dạo trong rừng (thay vì phải làm theo lệnh), tự tìm đường đi, ở một mình từ 24 giờ trở lên, và viết nhật ký.
Sau chuyến đi, những người tham gia cũng cảm thấy mình minh mẫn hơn, tập trung tốt hơn, “giống như được làm mới não bộ”. Hằng ngày, đô thị hiện đại gửi đến cư dân một lượng kích thích khổng lồ (thông qua quảng cáo, tín hiệu giao thông, báo chí…), khiến bộ não phải hoạt động mệt mỏi hơn để ức chế các suy nghĩ không liên quan đến công việc. Để phục hồi khả năng tập trung của não, các phương thức nghỉ ngơi trong đô thị (như đọc sách, xem phim, chơi video games…) chỉ có tác dụng giới hạn, vì chúng vẫn đòi hỏi một lượng lớn sự chú ý vào các cốt truyện hoặc nhiệm vụ cho trước. Trong khi đó, chuyến đi trong thiên nhiên giải phóng con người khỏi mọi kích thích đa hướng của đô thị, để chỉ tập trung vào một tuyến đường mà mình tự chọn thay vì bị người khác áp cho. Các kích thích có nhịp điệu trong thiên nhiên, như tiếng sóng hay bóng lá rung rinh, cũng cung cấp những bài tập phục hồi chức năng cho não người, vì các tín hiệu thần kinh của con người vận hành theo nhịp.
Sau cùng, chuyến đi còn giúp những người tham gia cải thiện khả năng tương tác xã hội. Các hoạt động nhóm để sinh tồn buộc họ phải trò chuyện lâu dài với những người xung quanh, và cuộc trò chuyện này trở nên chậm và sâu sắc hơn khi mọi thiết bị điện tử đã bị tắt. Vì mọi người đều bình đẳng trong các nhóm nhỏ, thay vì bị phân chia thành các chức danh như theo quy ước trong công sở, họ giao tiếp thành thực hơn và dần thoải mái chia sẻ với nhau hơn. Nhờ trải nghiệm trong rừng, họ đã nhìn các mối quan hệ của mình dưới một con mắt mới khi trở về đời sống đô thị.
Cuốn sách của vợ chồng Kaplan đã trở thành một nguồn tham khảo quan trọng cho các kiến trúc sư thiết kế vườn cảnh, công viên hoặc quy hoạch đô thị, cũng như những bác sĩ muốn đưa vào khóa trị liệu của mình các yếu tố thiên nhiên. Chẳng hạn, nó khuyến khích việc xây dựng những công viên có lối đi quanh co, địa hình đa dạng cùng thảm thực vật nhiều lớp, để đem lại sự kích thích cảm giác như khi con người đi dạo trong những trảng rừng thưa, thay vì xây những công viên có lối đi thẳng và cây trồng được cắt tỉa vuông vức. Những chuyến đi trong rừng mà cuốn sách mô tả cũng được nhóm tác giả phát triển thành Liệu pháp Phục hồi Chú ý (Attention Restoration Theory, ART), mà ngày nay vẫn còn được áp dụng.
Nguồn tham khảo:
[1]
[2] Larkoff, G & Johnson, M. 1980/2021, Metaphors We Live By / Chúng ta sống bằng ẩn dụ. NXB ĐH Quốc gia Hà Nội, tr.148.
Bài đăng KH&PT số 1343 (số 19/2025)