Vải là loại trái cây được yêu thích nhờ hương vị thơm ngon. Ngoài ra, loại quả này còn có tác dụng kháng ung thư, điều hòa huyết áp, bảo vệ tim mạch, giàu vitamin C, vitamin E, vitamin K, tăng cường hệ miễn dịch, làm đẹp da…

Cây vải con. Ảnh minh họa.
Cây vải con. Ảnh minh họa.


1. Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao xi măng, bao tải, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng vải. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước. Dụng cụ trồng có kích thước trên 1m.


Đất trồng

Cây vải có thể trồng trên nhiều loại đất như đất đỏ, đất vàng, đất cát pha, đất phù sa, đất thịt…. Yêu cầu quan trọng nhất của đất trồng vải là phải thoát nước, tầng đất dày. Cây thường được trồng vào 2 vụ chính đó là vụ Xuân (tháng 3-4) và vụ Thu (tháng 8-9).

Đào hố trồng vải thiều không khác so với những loại cây trồng khác nhưng cần chú ý đến điều kiện đất trồng. Với vùng đất bằng thấp thì nên đào hố rộng 70 - 80cm, sâu 70cm. Còn đối với đất đồi thì đào hố rộng 70 - 80cm, sâu 80 - 100cm.

Trước khi trồng nên bón lót với phân chuồng hoai mục, vôi rồi phơi ải khoảng 15-20 ngày nhằm loại trừ các mầm bệnh gây hại cho cây.

Hoa vải. Ảnh minh họa.
Hoa vải. Ảnh minh họa.

2. Chọn giống và trồng vải

Hiện nay trên thị trường có những giống vải như vải thiều Thanh Hà, vải thiều Phú Hộ, vải Xuân Đỉnh… Bạn có thể lựa chọn giống tùy vào điều kiện và sở thích.

Thông thường vải được nhân giống bằng hạt, chiết cành hoặc ghép. Tuy nhiên, rất ít người trồng vải bằng hạt vì cây lâu cho trái, năng suất không cao. Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn nên tìm mua cây vải giống ở các vựa giống.

Bới 1 lỗ nhỏ ở giữa hố đã đào sẵn, đặt cây con vào, dùng tay lấp đất và ấn chặt đất xung quanh miệng hố. Trồng xong nên dùng cọc để chèn xung quanh gốc để tránh gốc cây bị lung lay. Nếu trồng lúc trời không mưa thì cần tưới đẫm nước cho cây vải.

Quả vải xanh. Ảnh minh họa.
Quả vải xanh. Ảnh minh họa.

3. Chăm sóc

Cần cung cấp đủ nước cho cây vải nhất là trong mùa khô, khi trái đang lớn và lúc quả sắp chín.

Phủ cỏ, rác, phân xanh… xung quanh gốc cây để tránh cỏ dại. Mỗi năm làm cỏ khoảng 2 lần vào vụ Xuân tháng (tháng 1-2) và vụ Thu (tháng 8-9); xới sạch toàn bộ diện tích một lần/vụ; một năm xới gốc 2 - 3 lần.

Thường xuyên cắt bỏ những cành có chất lượng kém, cành khô, cành mang sâu bệnh và những cành mọc lộn xộn trong tán, những chùm hoa nhỏ, thưa, mọc sâu trong tán, chùm hoa bị sâu bệnh…

Hàng năm bón phân khoảng 4 đợt cho cây vải. Đợt 1 bón vào tháng 2, đợt 2 vào tháng 5, đợt 3 vào tháng 8 và đợt 4 vào tháng 11. Bón đạm urê: 0,1 - 0,15 kg/cây; + lân supe: 0,3 - 0,5 kg/cây; kalichlorua 0,1 - 0,15 kg/cây (chia đều cho các lần bón). Khi cây càng lớn thì tăng thêm lượng phân. Ngoài ra, phải kết hợp với bón phân chuồng và vôi cho cây vải.

Cây vải chín đỏ rực. Ảnh minh họa.
Cây vải chín đỏ rực. Ảnh minh họa.

4. Thu hoạch

Thông thường vải sẽ cho thu hoạch trái sau 3-4 năm trồng. Nên thu hoạch khi quả vải thiều đạt độ chín sinh lý để quả vải thiều có chất lượng ngon nhất và bảo quản lâu hơn. Thời điểm thu hoạch vải thiều tốt nhất là vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Tránh ánh nắng gay gắt chiếu trực tiếp vào trái làm tăng nhiệt độ trong quả, gây mất nước ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian bảo quản.