Người dân ở nhiều nơi trên thế giới không có nước sạch để dùng, nhưng xử lý nước bằng cách đun sôi có thể khiến họ tiếp xúc với ô nhiễm không khí, nếu bếp đun của họ dùng nhiên liệu bẩn. Trong hai rủi ro này nên chọn cái nào?

Nghiên cứu mới của nhóm nhà khoa học ở Đại học Bang North Carolina cho thấy, mặc dù rủi ro sức khỏe do ô nhiễm không khí là có thật, nhưng lợi ích từ việc đun sôi nước thường vượt xa những rủi ro đó.

Cụ thể, nghiên cứu đã điều chỉnh và tích hợp các mô hình tính toán có sẵn để ước tính các tác động về mặt sức khỏe liên quan đến việc uống nước bẩn và tiếp xúc với ô nhiễm không khí từ bếp nấu. Các loại bếp được khảo sát trong nghiên cứu bao gồm từ bếp củi đến bếp điện.

Trên toàn cầu, hơn một nửa số ca tử vong do các chất gây ô nhiễm không khí nguy hại là nhiên liệu rắn thuộc về trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính, và hầu hết số năm sống bị mất đi bởibệnh tiêu chảy cũng xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Do đó, nghiên cứu tiến hành phân tích hai nhóm tuổi: trẻ dưới 5 tuổi, và từ 5 tuổi trở lên.

Đun sôi nước dù bằng loại bếp dùng nguyên liệu không sạch cũng làm giảm gánh nặng bệnh tật ở những khu vực không tiếp cận được nước sạch. Nguồn: Public Domain

Nhóm chọn Uganda và Việt Nam để thực hiện nghiên cứu trường hợp thực tế vì hai quốc gia ở các khu vực riêng biệt với những đặc điểm nhân khẩu học khác nhau nhưng đều có tỷ lệ sử dụng phương pháp đun sôi cao trong số những hộ gia đình sử dụng các phương pháp để cải thiện chất lượng nước uống tại chỗ (82% ở Uganda, 91% ở Việt Nam) và tỷ lệ sử dụng nhiên liệu rắn cao (96% ở Uganda, 35% ở Việt Nam).

Kết quả, uống nước đun sôi trong điều kiện phòng thí nghiệm (tức trong các điều kiện có kiểm soát để đảm bảo các yếu tố liên quan đến nghiên cứu là nhất quán) so với nước chưa qua xử lý đã làm giảm đáng kể số năm sống bị ảnh hưởng bởisức khỏe kém, khuyết tật hoặc tử vong sớm (DALY) ở nhóm từ 5 tuổi trở lên ở cả Uganda và Việt Nam. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam, nước đun sôi trong điều kiện phòng thí nghiệm so với nước không đun sôi đã làm giảm DALY lần lượt là 94%, 78% và 74% đối với loại nước có nguy cơ cao, trung bình và thấp.

Ở cả hai quốc gia, các hộ gia đình có mức ô nhiễm không khí trong nhà cao do dùng bếp đốt nhiên liệu rắn thì việc đun nước trên cùng loại bếp đó không làm tăng rủi ro đáng kể.

Các kết quả phản ánh điều mà khoa học đã chứng minh: nếu nguồn nước bị ô nhiễm nặng thì việc đun nước sẽ giảm mạnh rủi ro sức khỏe, nhất là đối với trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, đun sôi nước nhìn chung có lợi ngay cả khi bếp đun và nhiên liệu không sạch, tuy nhiên, lý tưởng nhất là đun sôi nước bằng bếp sạch.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chíEnvironmental Health Perspectives.


Nguồn: