Theo PGS-TS Bùi Thị Mai An, để giải quyết tình trạng thiếu nguồn máu phục vụ cho công tác cứu chữa bệnh, cần có đủ nguồn người hiến máu an toàn trong tương lai và công tác tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo cần được đẩy cao hơn.

Hiện tại, PGS-TS Bùi Thị Mai An đang là trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị” của bà và các cộng sự tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đã đạt giải thưởng Hồ Chí Mình về KH&CN năm 2016.


PGS-TS Mai An vừa có những chia sẻ về những vấn đề liên quan đến biện pháp giải quyết vấn đề thiếu nguồn máu cứu người.

Theo bà Mai An, để giải quyết tình trạng thiếu máu trong giai đoạn tới, cần có đủ nguồn người hiến máu an toàn trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc, công tác tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo cần được đẩy cao hơn.

“Để giải quyết tình trạng thiếu máu trong giai đoạn tới, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hiến máu nhân đạo sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời chú trọng hơn nữa việc chăm sóc sức khỏe cho người hiến máu, trân trọng và tôn vinh họ để họ tiếp tục hiến máu trong tương lai.” - bà Mai An chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Mai An cũng chia sẻ về một số kinh nghiệm tìm kiếm nguồn máu từ một số nước trong khu vực và thế giới: “Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, để có được nguồn người hiến máu tình nguyện, bền vững trong tương lai, họ đã đưa vào chương trình học tập để giáo dục cho học sinh phổ thông về sự cần thiết và tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người.”

Hiện tại, việc thiếu nguồn máu dự trữ đang là một trong những vấn đề nan giải trong việc cứu chữa cho bệnh nhân. Thậm chí, nhiều trường hợp cấp cứu khẩn cấp nhưng không được điều trị ngay vì thiếu nhóm máu hiếm, phải hoãn ca mổ.

Theo thống kê Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, Việt Nam có tới 99,96% số người thuộc nhóm máu Rh+ (hoặc O+ hoặc B+ hoặc A+ hoặc AB+). Trong khi đó, số người thuộc nhóm máu Rh- (hoặc O- hoặc B- hoặc A- hoặc AB-) chỉ có khoảng có 0,04%- 0,07%. Vì vậy, lĩnh vực huyết học và truyền máu nói riêng, ngành y tế nói chung đang gặp khó khăn là thiếu máu hiếm trong điều trị, cấp cứu.