GS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương - khẳng định, hiến máu không chỉ là hành động “cho đi” mà còn là “nhận lại” bởi người hiến cũng có nhiều lợi ích.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tham gia hiến máu nhân đạo. Ảnh: NV

Việc hiến máu giúp giảm thừa sắt - tình trạng xảy ra ở phần lớn mọi người, dẫn đến hình thành các gốc tự do và tăng nguy cơ một số bệnh mạn tính như bệnh tim và ung thư. Khi cho máu, bạn loại bỏ được một lượng sắt dư thừa tích lũy trong cơ thể.

Cơ thể thường thay thế máu trong 48 giờ sau khi cho và các hồng cầu mất đi sẽ hoàn toàn được thay mới trong 4-8 tuần. Quá trình bổ sung này giúp cơ thể làm mới hệ thống, trở nên khỏe mạnh, làm việc hiệu quả hơn.

Người hiến máu bao giờ cũng được kiểm tra các yếu tố sức khỏe như cân nặng, huyết áp, nhịp tim… Đây là dịp để đánh giá chức năng cơ thể và phát hiện bệnh kịp thời. Nếu đăng ký hiến máu thường xuyên 2 tháng một lần, bạn sẽ có 6 lần kiểm tra sức khỏe trong một năm.

Các chuyên gia Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng cho biết, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, những người thường xuyên hiến máu sẽ có ít nguy cơ bệnh tim và ung thư gan, phổi, ruột, dạ dày và cổ họng… hơn so với người không hiến máu. Ngoài ra, người hiến máu còn nhận được một lợi ích vô hình nhưng rất quan trọng khác, đó là niềm vui khi biết hành động của mình có thể giúp đỡ, cứu sống người khác.

Vậy hiến máu có hại gì không? Có một điều chắc chắn là nếu nhận thấy nguy cơ sức khoẻ từ hành vi hiến máu của bạn, cơ quan tiếp nhận máu chắc chắn sẽ từ chối lấy máu, cho dù bạn có thiết tha yêu cầu. Ngành y tế có những quy định rất chặt chẽ để việc nhận máu không gây hại gì cho người hiến.