Hễ chập chờn là uống thuốc?
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng khuyên đừng uống thuốc khi ngủ chập chờn, nếu được thì nên uống trước đó. Bởi khi “chập chờn” mới uống thì đã trễ. Thuốc phải có thời gian mới tác dụng và người bệnh lại phải lệ thuộc vào thuốc.
Quan trọng nhất trong điều trị mất ngủ đó chính là tìm ra nguyên nhân.
Trong những trường hợp sử dụng thuốc cần uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ và áp dụng một cách liên tục chứ không phải “nay uống mai nghỉ”. Ở các nước trên thế giới, thầy thuốc đã được khuyến cáo rằng trong thời gian khoảng 15 ngày thầy thuốc phải chủ động tìm một phương án khác chứ không để bệnh nhân uống thuốc lâu dài.
Thuốc ngủ được xem là “cứu tinh” cho những người bị mất ngủ. Tuy nhiên nếu lạm dụng sẽ gây ra nhiều hậu quả khó lường (Ảnh:Sleeping Pills UK).
Thuốc an thần là một loại hóa chất tổng hợp chứa một số tác dụng phụ và độc tính nhất định. Nếu bắt buộc phải dùng thuốc lâu dài thì nên chuyển sang loại thuốc ít phản ứng phụ và độc tính như thảo dược nhằm thư giãn thần kinh.
Đặc biệt, cũng có thể sử dụng một số biện pháp không dùng thuốc như xoa bóp ấn huyệt, châm cứu.
Lạm dụng thuốc an thần gây tai biến mạch máu não
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người thường xuyên lạm dụng và lệ thuộc thuốc an thần là “miếng mồi ngon” cho nhiều căn bệnh như tai biến mạch máu não.
Có rất nhiều người trẻ bị đột quỵ, tai biến mạch máu não dù trước đó không hề tăng mỡ máu, huyết áp bình thường. Những người này có cuộc sống quá căng thẳng, áp lực vì vậy tìm đến thuốc an thần để có một giấc ngủ ngon.
“Có thể sáng trông thấy họ còn khỏe nhưng tối đến lại bị tai biến vì lý do trước đó họ đã lạm dụng thuốc an thần” – bác sĩ Hoàng lý giải.
Đặc biệt, người bệnh thiếu máu cơ tim, có sử dụng thuốc an thần có tỉ lệ tử vong cao gấp 6 lần người bị thiếu máu cơ tim nhưng không dùng thuốc an thần.
Trước đây người ta cho rằng hễ mắc bệnh trầm cảm là cho thuốc ngủ để bệnh nhân quên đi nỗi buồn. Tuy nhiên, những nghiên cứu cho thấy bệnh nhân trầm cảm dùng thuốc ngủ không có hiệu quả vì hết cơn ngủ thì vẫn buồn.
Bên cạnh đó, có những người không mắc bệnh trầm cảm nhưng vì lạm dụng thuốc ngủ nên dẫn đến hội chứng trầm uất do thuốc ngủ.
Một vài trường hợp mất ngủ vì không uống thuốc bởi trước đó đã lệ thuộc vào thuốc. Đây còn gọi là hội chứng mất ngủ do hết thuốc ngủ.
Mệt nhừ nhưng vẫn không ngủ được
Hiện nay, không ít người rơi vào trường hợp dù đã mệt nhừ “mở mắt không lên” nhưng vẫn không thể chìm vào giấc ngủ hay phải mất một thời gian dài mới ngủ được.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng phân tích, nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng nàylà stress.
Nội tiết tố do tuyến thượng thận được phóng thích ra đến 17 giờ chiều sẽ hạ xuống để “nhường chỗ” cho serotonin nội tiết tố do tuyến yên tiết ra tạo cảm giác bình yên, yêu đời.
Tuy nhiên, với những người bị stress thì lượng nội tiết tố của tuyến thượng thận có thể hoạt động đến 21 giờ tối khiến nhịp sinh học của cơ thể bị thay đổi, gây ra mất ngủ.
Dễ ngủ nhưng dễ tỉnh giấc
Một số người lại rơi vào trường hợp “dở khóc dở cười” rất dễ đi vào giấc ngủ hay còn ví von là “hễ đặt lưng xuống là ngáy o o” nhưng 1-2 giờ sáng lại thức giấc và trằn trọc đến sáng.
Đây được xem là “đòn đánh nguội” của rối loạn nội tiết tố.
Tình trạng này được ghi nhận ở 2 nhóm: đàn ông đã bước vào tuổi mãn dục nam, trên 50tuổi và có trục trặc với nội tiết tố nam testosterone và phụ nữ tuổi mãn kinh, tiền mãn kinh vì lúc này nội tiết tố nữ estrogen giảm xuống nhanh làm trật nhịp sinh học.
Theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng, việc quan trọng nhất trong điều trị chính là tìm ra nguyên nhân gây mất ngủ (Ảnh:Smallbusiness).
“Người ta ngủ không khó nhưng đến 1-2 giờ sáng thì trung khu điều hành giấc ngủ bỗng nhiên phát ra tín hiệu rằng cơ thể đã ngủ đủ khiến người bệnh “thức sớm hơn gà”. Kết quả, sau khi điều trị rối loạn nội tiết tố thì những người này ngủ được khá hơn, thậm chí là ngủ ngon hơn”.
Điều này cho thấy không phải lúc nào giải pháp cũng là thuốc ngủ mà quan trọng nhất là tìm được nguyên nhân gây ra mất ngủ.
Thanh lọc cơ thể có thể chữa mất ngủ
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng cho biết: “Một cơ thể tích lũy quá nhiều độc tố như rượu bia, cholesterol sẽ làm cản trở trung khu điều hành giấc ngủ. Theo ghi nhận, những người thanh lọc cơ thể sau một thời gian sẽ có giấc ngủ ngon hơn”.
Để tìm lại giấc ngủ thì không nhất thiết phải “đánh thuốc mê” hệ thần kinh. Điều cần làm là cung cấp nhiều dưỡng khí hơn cho hệ thần kinh trung ương, ổn định dẫn truyền thần kinh và cùng lúc đó thanh lọc cơ thể.