Hoa hồng leo là loại cây được nhiều hộ gia đình chọn trồng để trang trí cổng, sân vườn… Sau đây, Khoa học & Kỹ thuật sẽ hướng dẫn các bạn phương pháp trồng hoa hồng leo đơn giản nhất.

Trồng hoa hồng leo ở vòm cổng cũng rất đẹp. Ảnh minh họa.
Trồng hoa hồng leo ở vòm cổng cũng rất đẹp. Ảnh minh họa.


1. Chuẩn bị dụng cụ trồng và đất trồng

Dụng cụ trồng

Bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng hoa hồng leo. Lưu ý: Dưới đáy khay đục lỗ để thoát nước.


Đất trồng

Hoa hồng leo có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, cây sẽ mập mạp và cho nhiều hoa khi trồng ở đất tơi xốp, nhiều ảnh nắng mặt trời. Bạn có thể mua đất sẵn hoặc tiến hành trộn đất với phân bò hoai mục, phân gà, phân trùn quế, vỏ trấu, xơ dừa, than bùn, mùn hữu cơ… Nên bón lót với vôi rồi phơi ải từ 15 - 20 ngày trước trồng để xử lý các mầm bệnh có trong đất.

2. Chọn giống và trồng hoa

Hoa hồng leo có thể trồng bằng hạt hoặc giâm cành, chiết cành. Hạt giống bạn có thể tìm mua ở các cửa hàng bán hạt giống hoa. Tuy nhiên, tỷ lệ nảy mầm thường không cao. Cây giống bạn có thể mua sẵn ở các vựa hoa, cây cảnh.

Hoa hồng leo trồng ở hàng rào. Ảnh minh họa.
Hoa hồng leo trồng ở hàng rào. Ảnh minh họa.

Trồng bằng phương pháp giâm cành:

Chọn 1 khúc cành của cây hoa hồng leo bánh tẻ mẹ khỏe mạnh (không già quá cũng không non quá) có chiều dài khoảng 15cm và không cần to (chỉ bằng chiếc đũa ăn cơm là vừa). Nên cắt khúc với dao mỏng lưỡi và thật bén, vết cắt cho ngọt mới tránh bị giập, vì vết cắt bị giập thì dễ bị hư thối.

Để cây nảy mầm tốt nhất, ta có thể chấm đầu gốc cành hồng giâm vào thuốc kích thích ra rễ như Atonic, Boutormone… có bán trên thị trường, trước khi cắm xuống bầu giâm.

Dùng một cái que bằng chiếc đũa thọc sâu xuống đất khoảng 2cm rồi mới cắm hom giống vào lỗ đó. Trồng sâu hơn khó ra rễ. Hom có thể trồng thẳng hoặc trồng nghiêng đều được.

Thường xuyên tưới nước bằng vòi phun nhẹ cho cành giâm. Sau khoảng 10-15 ngày, hoa hồng sẽ bắt đầu đâm chồi non. Từ 25-35 ngày (tùy giống hồng) cây sẽ ra rễ. Khoảng từ 2-2,5 tháng cây hồng sẽ có thể tách ra trồng được.

Trồng bằng hạt:

Hạt giống mua về nêm ngâm nước lạnh khoảng 4 giờ, lúc này loại những hạt nổi lên. Sau đó ngâm nước ấm khoảng 1-2 ngày để lại căng nở là được.

Gieo hạt sâu khoảng 5 - 15cm vào khay đất đã chuẩn bị sẵn. Sau đó phủ lên 1 lớp cát mỏng để giữ ẩm cho đất. Hạt giống hoa hồng leo sẽ nảy mầm sau 7-30 ngày tùy thuộc vào giống, chất lượng giống và điều kiện thời tiết. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho hạt giống. Khi cây con cao lớn bạn có thể đem ra trồng.

Khi trồng hoa hồng, tay trái giữ cây, tay phải lấp đất nhẹ vào xung quanh gốc, ấn nhẹ tay cho cây đứng, tránh làm đứt rễ cây, trồng xong tưới thật đẫm nước.

Hoa hồng leo. Ảnh minh họa.
Cây hoa hồng leo cho hoa rất sai. Ảnh minh họa.

3. Chăm sóc

Ngày tưới nước 2 lần vào sáng sớm và chiều mát cho hoa hồng leo. Tránh tưới nước trực tiếp lên lá và hoa để phòng ngừa nấm và sâu bệnh.

Sau khi trồng hoa hồng leo khoảng 10-15 ngày thì bón bổ sung phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân trùn quế…

Vào mùa Xuân nên bón phân hữu cơ cho cây, phân phải chứa nitơ, phosphor và kali để tạo bông. Vào khoảng tháng 7 không nên bón phân có nitơ. Tháng 9 nên bón phân có nhiều kali để tạo thân gỗ.

Thường xuyên cắt bỏ lá hoa hư. Đối với hoa đã nở nên cắt bỏ, khi cắt cần cắt bấm ngọn thêm hai tầng lá để tạo cho cây hoa hồng có sức đâm nhánh mới, từ mỗi đầu nhánh đó sẽ cho ra những nụ hoa mới.

Hoa hồng ưa ánh nắng mặt trời, vì vậy vị trí trồng cây phải được chiếu sáng ít nhất 6 tiếng một ngày. Nên trồng hướng Đông để cây đón được ánh sáng mặt trời buổi sáng.

Bạn nên làm giàn cho hoa hồng leo hoặc trồng ở hàng rào, ban công.