Rau ngót nổi tiếng là thực phẩm giàu chất đạm, cung cấp cho cơ thể nhiều vitamin, muối khoáng, canxi, phốt pho, vitamin C… Hơn thế nữa, giống rau này lại rất dễ trồng và ít sâu bệnh. Hãy cùng Khoa học & Phát triển bắt tay vào trồng thử trồng rau ngót nhé!

1. Chuẩn bị dụng cụ trồng và giống

Rau ngót rất giàu chất dinh dưỡng và dễ trồng. Ảnh minh họa.

Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể tận dụng những dụng cụ có sẵn như khay, chậu hoặc thùng xốp. Tuy nhiên, dụng cụ trồng phải đảm bảo có đường kính tối thiểu từ 20-25cm.

Trộn 1dm3 đất với 20-30g NPK rồi cho vào khay hoặc thùng xốp. Đất trong chậu phải dày ít nhất 20cm.

Rau ngót có thể trồng bằng thân hoặc hạt. Tuy nhiên, khi trồng bằng hạt tỷ lệ nảy mầm rất thấp và lâu cho thu hoạch. Chính vì vậy, người ta thường chọn trồng bằng thân. Bạn có thể mua cây giống bán sẵn hoặc tự cắt cành để giâm.

2. Giâm cành rau ngót

Chọn những cây rau ngót thân to, không sâu bệnh và đã trồng được khoảng 1 năm để làm cây giống. Cắt thân cây thành nhiều khúc, mỗi khúc dài từ 10-12cm. Sau khi cắt xong, để cành đã cắt khoảng 2-3 tiếng cho vết cắt khô lại mới đem cành giâm xuống đất. Cắm cành lún xuống 2/3 đất rồi tưới đều (khoảng cách cây cách cây 5cm). Tưới 1 lần/ngày.

3. Chăm sóc rau ngót

Rau ngót cho thu hoạch. Ảnh minh họa.

Sau khi trồng được 25-30 ngày thì cành non bắt đầu mọc. Khi đó, chúng ta tiến hành bón thúc phân NPK với liều lượng 30g/0,5 lít nước (sử dụng cho 1m2). Sau mỗi lần thu hoạch chúng ta tiến hành bón phân cho cây.

Rau ngót ngoài dễ trồng còn ít sâu bệnh. Ảnh minh họa.

4. Thu hoạch

Sau khoảng 2 tháng (cây con đã cao được 30-40cm) chúng ta bắt đầu tiến hành tỉa lá ăn dần. Các đợt tiếp theo sau khoảng 25-30 ngày.