Nghiên cứu tại tỉnh Cà Mau ghi nhận sự cải thiện rõ rệt về khả năng hiểu ngôn ngữ, phản ứng xã hội, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng vận động và kỹ năng sống ở trẻ rối loạn phổ tự kỷ được can thiệp sớm từ độ tuổi 18-36 tháng.
Rối loạn phổ tự kỷ là một nhóm các rối loạn phát triển thần kinh phức tạp, ảnh hưởng lớn đến khả năng giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội của trẻ. Đặc biệt, với trẻ bị rối loạn mức độ nặng, việc can thiệp điều trị và hỗ trợ phát triển là một thách thức lớn đối với gia đình, nhà trường và xã hội.
Sàng lọc phát hiện sớm trẻ tự kỷ đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của trẻ, là tiền đề cho việc can thiệp sớm và thực hiện giáo dục có hiệu quả. Vì vậy Sở KH&CN Cà Mau đã triển khai đề tài sàng lọc, chẩn đoán và can thiệp sớm cho trẻ từ 18 - 36 tháng bị rối loạn phổ tự kỷ tại tỉnh.
Đề tài do nhóm tác giả ở Trường Đại học Y Dược Cần Thơ thực hiện từ tháng 8/2020 - 2/2024 trên 20 trẻ rối loạn phổ tự kỷ mức độ nặng tại tỉnh Cà Mau. Nghiên cứu tập trung vào nhóm trẻ từ 18 đến 36 tháng tuổi, trong đó phần lớn là trẻ nam (chiếm 90%) thuộc nhóm từ 31 đến 36 tháng (65%) và sống tại thành phố Cà Mau (chiếm 60%).
Đánh giá bằng các thang điểm chuẩn quốc tế CARS (công cụ phân loại và đánh giá mức độ nghiêm trọng của rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em) và Vineland-II (công cụ đánh giá khả năng thích nghi của trẻ em và người lớn, được dùng rộng rãi trong chẩn đoán và theo dõi các rối loạn phát triển như rối loạn phổ tự kỷ), nghiên cứu ghi nhận hiệu quả tích cực của chương trình can thiệp chuyên sâu trong vòng sáu tháng.
Cụ thể, sau ba tháng can thiệp, điểm CARS chưa thay đổi nhiều, nhưng sau sáu tháng, có tới 70% trẻ có cải thiện rõ rệt, tổng điểm thang CARS giảm trung bình 7,6 điểm. Trong các lĩnh vực của CARS, giao tiếp không lời – thể hiện khả năng hiểu ngôn ngữ và phản ứng xã hội được cải thiện nhiều nhất với mức giảm 0,95 điểm, trong khi lĩnh vực phản xạ thay đổi ít nhất.
Thang điểm Vineland-II cũng cho thấy sự tiến bộ về kỹ năng giao tiếp, vận động và kỹ năng sống. Sau ba tháng, điểm giao tiếp tăng trung bình 1,55 điểm và sau sáu tháng tăng 2,15 điểm, trong khi kỹ năng vận động và kỹ năng sống tăng chậm hơn.
Cần phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ nghi ngờ rối loạn phổ tự kỷ. Ảnh: NNC
Nghiên cứu còn chỉ ra, trẻ nhỏ hơn (25-30 tháng tuổi) có kết quả cải thiện tốt hơn so với nhóm tuổi lớn hơn (31-36 tháng). Ngoài ra, trẻ sống tại TP Cà Mau có mức độ tiến bộ vượt trội so với trẻ ở các huyện. Điều này có thể giải thích bởi trẻ ở thành phố được tiếp cận sớm hơn với các môi trường giáo dục, dịch vụ y tế và gia đình có kiến thức tốt hơn về tự kỷ, đồng thời có điều kiện can thiệp sớm và hiệu quả hơn.
Trong quá trình thực hiện Đề tài, nhóm nghiên cứu đã đào tạo cho bốn cán bộ y tế của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Cà Mau năng lực chẩn đoán, đánh giá và can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ và 300 giáo viên mầm non, 50 cán bộ y tế trong tỉnh năng lực nhận biết, sàng lọc trẻ có rối loạn bằng thang điểm M-CHAT-R (công cụ phát hiện sớm các dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ, đặc biệt dành cho trẻ từ 16 đến 30 tháng tuổi, do TS Diana Robins - chuyên gia hàng đầu về sàng lọc tự kỷ sớm và cộng sự xây dựng).
Cũng trong khuôn khổ Đề tài, 3.639 trẻ được sàng lọc rối loạn phổ tự kỷ tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Cà Mau, với 235 trẻ, tương đương 6,5%, được xác định dương tính với thang sàng lọc M-CHAT-R, nghĩa là có nguy cơ cao mắc rối loạn phổ tự kỷ, cần được theo dõi, đánh giá kỹ hơn. Tiếp tục sàng lọc, có 75 trẻ trong số này, tương đương 2,06% tổng số trẻ tham gia khảo sát, được chẩn đoán chính thức mắc rối loạn phổ tự kỷ, với 40 trẻ được can thiệp. Kết quả, có 14 trẻ mức độ nặng được cải thiện đến mức độ trung bình – nhẹ; và 5 trẻ mức độ trung bình – nhẹ được cải thiện đến mức "không ghi nhận" (tức là không còn dấu hiệu hoặc rất nhẹ, gần như không thể phát hiện rối loạn).
Theo nhóm tác giả, kết quả từ nghiên cứu này là minh chứng rõ ràng cho thấy can thiệp sớm và toàn diện có thể giúp trẻ rối loạn phổ tự kỷ mức độ nặng phát triển kỹ năng giao tiếp và xã hội, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và khả năng hòa nhập cộng đồng.
Nhóm tác giả khuyến nghị, việc phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ nghi ngờ rối loạn phổ tự kỷ là yếu tố quyết định thành công của quá trình điều trị. Gia đình, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia y tế và tâm lý để xây dựng kế hoạch can thiệp phù hợp với từng trẻ. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng cho phụ huynh, giáo viên tại các khu vực vùng sâu vùng xa để trẻ có cơ hội tiếp cận điều trị kịp thời và hiệu quả như trẻ ở thành phố.
Đề tài đã được Sở KH&CN Cà Mau nghiệm thu, kết quả xuất sắc.