Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến hết tháng 8, cả nước có gần 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 48 tỉnh, thành và đã có 12 người tử vong do bệnh này.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh minh họa
Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh minh họa

Đặc biệt, tại các tỉnh phía Nam, từ đầu năm đến nay đã có 22.185 ca mắc SXH, tăng 54% so với cùng kỳ.

Nhiều địa phương từng là “điểm nóng” về SXH như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM… đã bắt đầu bùng phát dịch. Đây là những địa phương có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung đông công nhân từ các địa phương khác đến mang mầm bệnh lây truyền; đồng thời những nơi này cũng có khá nhiều công trình dang dở, tạo điều kiện nước đọng làm chỗ cho muỗi sinh đẻ lăng quăng.

Riêng tại TPHCM, hiện số ca mắc SXH từ đầu năm đến nay là 7.197 ca. Trong những tuần gần đây số ca mắc SXH liên tục tăng từ 5% đến 10% so với tuần trước.

Tuy nhiên, theo Cục Y tế dự phòng, số ca mắc SXH trên toàn quốc tính tới thời điểm này chưa phải ở mức báo động, mặc dù có sự gia tăng hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái.

Cục Y tế Dự phòng cũng cảnh báo, dịch SXH đang bước vào thời kỳ cao điểm, đang có diễn biến phức tạp và sẽ kéo dài đến hết mùa mưa - tháng 10/2015.

SXH gia tăng ở người lớn với tỉ lệ hơn 43%

Trước đây, SXH thường có những đỉnh dịch theo chu kỳ khoảng 4-5 năm một lần. Nhưng đến nay, tính chu kỳ hầu như không còn tồn tại.

Nghiêm trọng hơn, virus gây bệnh SXH đã lưu hành ở nhiều dạng nên người bệnh mắc SXH đã khỏi vẫn có thể bị mắc lại và lần mắc sau nặng hơn lần trước.

Đối tượng mắc SXH bao gồm cả người lớn lẫn trẻ em. Nhưng trước đây 80% SXH tập trung ở trẻ em (dưới 15 tuổi) vì hệ miễn dịch kém, thì đến nay SXH gia tăng ở người lớn với tỉ lệ hơn 43%. Điều này cho thấy SXH ngày càng có chiều hướng “người lớn hóa” và diễn biến khá phức tạp.

Ở miền Bắc, những trường hợp tử vong do SXH đa số rơi vào người lớn, nguyên nhân là do chủ quan và nhầm lẫn triệu chứng với các bệnh lý khác (viêm đường hô hấp, sốt virus).

Gánh nặng kinh tế của người dân mắc SXH

Khi mắc bệnh SXH, người bệnh phải nghỉ học, nghỉ làm để điều trị bệnh, người thân phải nghỉ làm để chăm sóc người bệnh. Gánh nặng kinh tế, xã hội người dân phải chịu không hề nhỏ so với thu nhập của mỗi hộ gia đình, ảnh hưởng tới an sinh xã hội.

Theo nghiên cứu của Bộ Y tế tại một số bệnh viện thuộc khu vực miền Nam, trung bình mỗi người bị bệnh SXH sẽ phải nghỉ để điều trị bệnh từ 7-14 ngày, người thân phải nghỉ việc để chăm sóc người bệnh từ 7-9 ngày.

Chi phí cho người bệnh SXH mà người dân phải chi trả bao gồm các chi phí trực tiếp cho y tế như khám, xét nghiệm, điều trị ngoài ra còn các chi phí khác như mua vật dụng, đi lại, chi cho người chăm sóc và chi phí bị mất do nghỉ việc và rất nhiều các khoản chi phí khác nữa.

Điều tra của Bộ Y tế cho thấy chi phí cho một bệnh nhân SXH dao động từ 900.000 đến 2.700.000 đồng tùy theo độ nặng và tuổi của người bệnh. Bên cạnh đó còn chi phí của Chính phủ để duy trì hoạt động của hệ thống khám chữa bệnh chưa được tính đến.

Với 94.868 người bệnh được ghi nhận trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010-2012, ước tính người dân phải chi phí tổng số tiền tương đương 1.400-1.600 tỉ đồng/năm.

Như vậy, chỉ cần giảm 10.000 trường hợp mắc bệnh sẽ giảm được gần 160 tỉ đồng. Vì vậy, năm 2013 ước tính giảm được gần 500 tỉ đồng và năm 2014 giảm được gần 1.000 tỉ đồng chi phí của người dân cho việc chăm sóc, điều trị bệnh SXH với giai đoạn 2010-2012.

Để giảm số người mắc SXH hằng năm, giảm số người bệnh phải vào viện điều trị sẽ góp phần giảm gánh nặng cho công tác điều trị, giảm quá tải bệnh viện, giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh tế và sức lao động của người dân… cần có sự quan tâm đầu tư của chính quyền các cấp và ý thức phòng bệnh của mỗi người dân trong cộng đồng.