Ngày 10/5, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng Bí thư Tô Lâm, Công ty Vaccine Việt Nam VNVC và Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga RDIF đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược, hướng đến chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA điều trị ung thư.
Theo đó, hai bên sẽ thảo luận để thiết lập nền tảng hợp tác sâu về công nghệ cao trong lĩnh vực y sinh, tập trung vào nghiên cứu, đầu tư, chuyển giao công nghệ và thương mại các thuốc sinh học, vaccine công nghệ cao. Đặc biệt, VNVC kỳ vọng sớm đưa vaccine mRNA điều trị ung thư mà phía Nga đã công bố hồi tháng 12/2024 về Việt Nam.
Không giống vaccine truyền thống chỉ phòng ngừa bệnh, vaccine điều trị ung thư của Nga sử dụng công nghệ mRNA tiên tiến và có tác dụng
điều trị trực tiếp cho người đã mắc bệnh ung thư phổi tế bào nhỏ. Nếu vaccine này thành công, nó có thể mở ra một hướng đi mới trong điều trị ung thư và các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch khác như ung thư thận, tụy v.v
Điểm đặc biệt của vaccine mRNA điều trị ung thư là
tính cá nhân hóa cao, mỗi liều được thiết kế riêng dựa trên đặc điểm di truyền của khối u ở từng bệnh nhân, giúp tăng hiệu quả điều trị. Trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng để phân tích thông tin khối u và tạo bản thiết kế vaccine trong khoảng một tuần, rút ngắn thời gian chờ đợi, đặc biệt với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Vaccine mRNA điều trị ung thư được phát triển từ năm 2022 bởi sự phối hợp của ba đơn vị nghiên cứu hàng đầu của Nga (Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật học Gamaleya, Viện nghiên cứu ung thư P.Hertsen Moscow và Trung tâm nghiên cứu ung thư Blokhina) và do Tập đoàn Binnopharm đảm nhận sản xuất.
Thử nghiệm tiền lâm sàng của Nga đã hoàn thành vào tháng 9/2024 cho kết quả rất khả quan, với khối u ác tính giảm kích thước đáng kể, thậm chí biến mất hoàn toàn, bao gồm cả tế bào di căn. Việc lưu hành chính thức và áp dụng rộng rãi phụ thuộc vào kết quả của các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng - dự kiến bắt đầu từ
tháng 9/2025 - để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Việc ký kết giữa VNVC và Quỹ RDIF cho thấy Việt Nam sẽ là một trong những điểm hợp tác bên ngoài của Nga để thực hiện thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng, đẩy nhanh tiến độ đưa vaccine ung thư vào sử dụng trong hệ thống y tế và thương mại. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ được nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine này.
Ông Kirill Dmitriev, Đại diện đặc biệt của Tổng thống Nga về kinh tế và đầu tư nước ngoài, Tổng Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cho biết: “Khung hợp tác này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường trao đổi khoa học và chuyển giao công nghệ giữa hai quốc gia nhằm phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe mang tính tiên phong.”
“Trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam ghi nhận hàng trăm nghìn ca mắc mới và tử vong do ung thư, thỏa thuận hợp tác quan trọng này sẽ mở ra cơ hội mới điều trị ung thư bằng vaccine đầu tiên ngay trong nước, góp phần tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sống cho người dân", ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc điều hành VNVC, cho biết.
Ngay sau khi ký thỏa thuận hợp tác với Quỹ RDIF, VNVC đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật học Gamaleya và Tập đoàn dược phẩm Binnopharm.
Thời gian tới, VNVC sẽ bắt đầu các hoạt động trao đổi khoa học cùng các nhà khoa học Nga để tiếp nhận chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng và hướng tới sản xuất vaccine mRNA điều trị ung thư ngay tại nhà máy ở Long An.
Tài liệu tham khảo:
Tin đăng KH&PT số 1344 (số 20/2025)