Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, nếu chỉ suy nghĩ theo khía cạnh AI làm học sinh trở nên lười suy nghĩ và dễ nhiễm thói quen đạo văn thì sẽ rất khó ứng dụng AI.

Ngày 11/12, Câu lạc bộ các Khoa, Trường, Viện Công nghệ thông tin - Truyền thông (FISU) Việt Nam đã phối hợp cùng Trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học CMC tổ chức hội thảo AI4EDU, nhằm thảo luận những cơ hội và thách thức mà AI đem tới cho giáo dục đại học

Theo các đại biểu tại Hội thảo, một trong những cơ hội lớn nhất mà AI đem tới là khả năng cá nhân hóa học tập và tăng tương tác của người học. Nhiều công cụ đã được sinh viên áp dụng vào học tập như chatGPT, Grammaly, CoPilot... nhằm tăng sự chủ động trong tìm kiếm thông tin, câu trả lời và tăng tương tác trong quá trình học.

Tiếp theo, AI có thể góp phần hỗ trợ quản lý hành chính bằng cách rút gọn thời gian để làm các công việc như quản lý hồ sơ, thông tin học viên, xử lý các văn bản, tổng kết điểm số…

Ngoài ra, AI cũng có thể giúp tự động hóa việc đánh giá sinh viên và phản hồi câu hỏi của sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học CMC, cho biết, Trường đã xây dựng và ứng dụng một mô hình chatbot dành cho sinh viên. Với dữ liệu đầu vào là các quy chế, quy định riêng của Trường, sinh viên có thể tương tác với chatbot để giải đáp các câu hỏi về chuẩn đầu ra tiếng Anh của trường như thế nào, điểm tổng kết được tính ra sao,… Dựa trên hành vi của sinh viên, Chatbot cũng có thể đưa ra một số dự đoán, cảnh báo về tình trạng như khả năng gian lận trong học tập hay khả năng bỏ học của họ.

Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Diễm Quỳnh

Đồng thời, Hội thảo chỉ ra những thách thức khi triển khai AI ở các cơ sở giáo dục đại học. Thứ nhất, một số trường vẫn chưa có đủ nguồn lực tài chính để đưa AI vào hệ thống đào tạo và cũng chưa có các chương trình đào tạo để hướng dẫn cán bộ, sinh viên trong trường sử dụng AI. Chẳng hạn, dù cùng một nội dung, cách đặt câu hỏi, câu lệnh với các từ khóa khác nhau hoặc thay đổi thứ tự cũng dẫn đến kết quả khác nhau. Vì vậy, cần có các chương trình hướng dẫn thầy cô và sinh viên cách khai thác AI hiệu quả.

Lớn hơn nữa là thách thức về đạo đức sử dụng AI khi người học có thể dùng AI để sao chép câu trả lời, tiểu luận, đề án… Để kiểm soát vấn đề này, trong các bài kiểm tra, nhiều thầy cô đã chủ động đổi mới, đặt những câu hỏi sâu vào nội dung riêng của môn học thay vì hỏi những thông tin chung chung.

Trường Đại học Công nghệ cho biết, với các học phần lập trình, để tránh việc sinh viên gian lận bằng AI, Trường đã áp dụng chuẩn đầu ra mới cho nhiều nhóm sinh viên khác nhau, bao gồm nhóm bắt buộc phải sử dụng AI, nhóm không được sử dụng AI, và nhóm tự do sử dụng AI. Trong đó, với nhóm được tự do sử dụng AI nếu có nhu cầu, thì trong bài làm cần có lời giải thích rõ ràng về mã nguồn, ví dụ minh họa cho chương trình đã xây dựng, hoặc có sự đánh giá ưu nhược điểm của cấu trúc dữ liệu hay thuật toán đã sử dụng.

“Nếu chỉ suy nghĩ theo khía cạnh là AI làm học sinh lười đi và có các thói hư tật xấu thì sẽ rất khó ứng dụng AI. Nhìn lại lịch sử thì một thời gian chúng ra rất e dè dùng máy tính để gõ bài luận vì sợ sao chép, hay như khi Google phát triển thì chúng ta e ngại rằng tìm kiếm tài liệu dễ thì học sinh lười học. Nhưng bản chất thì không phải thế,” Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại Hội thảo. Theo ông, AI có thể hỗ trợ học viên rất nhiều trong học tập, vì vậy, cần khuyến khích các em sử dụng công nghệ. Với những vấn đề khác như gian lận hay sao chép, chúng ta cần có chuẩn mực mới để kiểm soát và đánh giá. Có thể sử dụng công cụ kiểm tra đạo văn để nhận biết mức độ sao chép hay đổi mới chuẩn đầu ra như Trường Đại học Công nghệ cũng là một cách làm hiệu quả. Vì vậy, “không có lý do gì để trì hoãn sử dụng AI trong học tập và nghiên cứu,” Thứ trưởng Duy nói.


Tin đăng KH&PT số 1323 ( số 51/2024)