Đó là các công trình giải quyết vấn đề thu giữ nước ngọt và làm chủ việc sản xuất tủ điện trung thế trong nước.

Họp báo công bố giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025. Ảnh: Ngô Hà
Họp báo công bố giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025. Ảnh: Ngô Hà

Ngày 15/5, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập và chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức họp báo, công bố Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025 cho hai công trình khoa học xuất sắc, mỗi giải trị giá 250 triệu đồng, cụ thể như sau:

• Công trình "Công nghệ hồ treo thu trữ nước vách núi" của nhóm tác giả:

1. PGS. TSKH. Vũ Cao Minh, Viện Các Khoa học Trái đất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam;

2. TS. Vũ Văn Bằng, Viện Công nghệ nước và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam;

3. KS. Nguyễn Chí Tôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hiện là Sở Nông nghiệp và Môi trường) tỉnh Hà Giang.

Hồ treo Tả Lủng
“Hồ treo” Tả Lủng có dung tích 30 nghìn m3 được xây dựng vào năm 2005 tại xã Tả Lủng huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, là một trong những công trình đầu tiên ứng dụng công nghệ hồ treo thu trữ nước vách núi, sau khi các nhà khoa học thí điểm thành công “hồ treo” Xà Phìn, dung tích khoảng 3.000m3. Các chuyên gia tính toán công nghệ “hồ treo” có thể cung cấp cho mỗi người dân trên cao nguyên 150 lít nước/người/ngày. Ảnh: Vũ Cao Minh/VAST

Công nghệ này dùng để phát hiện, đánh giá thu và trữ nước ngầm vách núi ở dạng hồ chứa nước, được xây dựng trên địa hình cao nhằm tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho các khu vực gặp khó khăn về nguồn nước. Các vách nhả nước được tạo trên sườn dốc, sâu trung bình 1-3m, để nước từ khe nứt vách núi tự chảy vào các rãnh thu và chảy về hồ chứa. Giải pháp công nghệ hồ treo đã được triển khai tại một số tỉnh miền núi phía Bắc từ năm 2002, góp phần xây dựng hơn 100 hồ treo phục vụ thu trữ nước.

• Công trình "Nghiên cứu, phát triển sản xuất tủ điện trung thế" của nhóm tác giả:

1. Ông Phạm Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT);

2. Ông Đoàn Kỳ Bá, Phó tổng giám đốc Công ty ACIT

3. Ông Bùi Văn Đam, Trưởng ban Năng lượng, Công ty ACIT

Hệ thống tủ điện trung thế, tủ điện hạ thế tổng được Công ty Cổ phần kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) lắp đặt tại dự án Nhà ga hành khách T3 – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hoàn thành vào tháng 4/2025. Ảnh: ACIT
Hệ thống tủ điện trung thế, tủ điện hạ thế tổng được Công ty Cổ phần kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) lắp đặt tại dự án Nhà ga hành khách T3 – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, hoàn thành vào tháng 4/2025. Ảnh: ACIT

Công ty ACIT bắt đầu phát triển các dòng tủ điện trung thế từ những năm 2013 - bắt đầu với dòng tủ điện trung thế24 kV loại kéo rút Metal-clad, sau đó là các dòng tủ trung thế 24 kV loại MV24-Gsec, và hiện nay là các dòng tủ trung thế kéo rút 40,5 kV loại MV36-Gsec. Sản phẩm tủ điện trung thế ACIT đã được lắp đặt và vận hành tại hàng trăm trạm biến áp 110kV-220kV trên toàn quốc, các dự án trọng điểm, nhà máy năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) và các nhà máy công nghiệp. Với bốn nhà máy sản xuất đặt tại Cụm công nghiệp Quất Động và Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ACIT hiện đang là tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị điện lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Đây là lần thứ tư Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức xét chọn Giải thưởng Trần Đại Nghĩa nhằm tôn vinh các cá nhân, nhà khoa học có công trình khoa học được ứng dụng thành công trên thực tiễn và tạo ảnh hưởng lớn tới kinh tế-xã hội.

Giải thưởng được tổ chức ba năm một lần, với tám công trình đã được vinh danh trong các đợt xét chọn năm 2016, 2019, 2022 (không có công trình được trao giải) và 2025.

Phạm vi xét tặng gồm các lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ: Khoa học trái đất, Khoa học môi trường và năng lượng; Toán học; Cơ học; Vật lý; Hóa học; Khoa học thông tin và máy tính; Khoa học sự sống; Khoa học biển; Khoa học Trái đất, Khoa học môi trường và năng lượng và công trình.

Điểm đặc biệt là giải thưởng này có thể được trao cho nhà khoa học nước ngoài nếu các công trình của họ có giá trị ứng dụng đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và con người, đất nước Việt Nam. Các công trình tham gia giải thưởng phải được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc được cấp bằng sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước.

Tại buổi họp báo, GS.TS. Chu Hoàng Hà, Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, vì tiêu chí trao giải của Giải thưởng Trần Đại Nghĩa khá cao - đòi hỏi các tri thức khoa học phải được ứng dụng thành công và có tác động lớn trên thực tế - nên số lượng hồ sơ tham gia không nhiều.

"Tuy nhiên, sau bốn kỳ xét chọn, chúng tôi nhận thấy Giải thưởng ngày càng lan tỏa rộng rãi hơn. Các công trình gửi về mỗi năm đều có chất lượng cao hơn, đồng thời thể hiện rõ tính đổi mới và sáng tạo", GS. TS. Chu Hoàng Hà nhận xét.

Theo ông, điều này cho thấy Giải thưởng Trần Đại Nghĩa có tầm nhìn xa, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 57 về thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học vào cuộc sống. Đồng thời, Giải thưởng cũng khuyến khích các công trình gắn với nhu cầu thị trường, góp phần lan tỏa giá trị khoa học vào thực tiễn.

Yếu tố lõi khoa học là một trong những tiêu chí được nhấn mạnh trong quá trình xét giải. Do đó, cả Hội đồng chuyên ngành (sơ tuyển) và Hội đồng giải thưởng (ra quyết định) đã phải loại một số công trình mặc dù có ứng dụng và tác động lớn, nhưng chủ yếu là giải mã công nghệ để ứng dụng, thiếu đi nguồn gốc nghiên cứu và các hoạt động R&D xuất phát từ nội lực nghiên cứu.

"Ý nghĩa của Giải thưởng Trần Đại Nghĩa chính là khuyến khích việc làm chủ công nghệ, nội địa hóa công nghệ, rồi ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn. Có như vậy, khoa học mới có thể đóng vai trò lớn hơn trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước", PGS.TS. Phan Tiến Dũng, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nhấn mạnh tại buổi họp báo.

Hội đồng Giải thưởng cho biết, trong thời gian tới sẽ xem xét thêm các biện pháp nhằm thu hút các nhà khoa học trẻ tham gia, nhất là khi công trình của họ chứng minh được tác động thực tiễn.

Lễ trao Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2025 sẽ diễn ra vào sáng 16/5 tại trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Đảng, nhà nước và đại diện các địa phương, nơi tiếp nhận kết quả của công trình được vinh danh trong giải thưởng.

Tin đăng KH&PT số 1344 (số 20/2025)