Các nhà nghiên cứu cuối cùng đã tìm ra một số cơ chế SARS-CoV-2 gây mất khứu giác, và đang thử nghiệm lâm sàng một số phương pháp điều trị tiềm năng bao gồm steroid và huyết tương.

Mất khứu giác từng là một dấu hiệu nhận biết COVID-19 rõ ràng nhất. Nhưng hiện tượng rối loạn khứu giác ngày càng trở nên ít phổ biến hơn ở các bệnh nhân mắc các biến thể về sau của virus SARS-CoV-2. Một nghiên cứu được công bố vào tháng trước đã khảo sát 616.318 người ở Mỹ từng mắc COVID-19. Nguy cơ bị rối loạn khứu giác của những người mắc biến thể Alpha chỉ bằng một nửa so với với những người nhiễm phiên bản SARS-CoV-2 đầu tiên. Nguy cơ này giảm xuống còn 44% đối với biến thể Delta và 17% đối với biến thể mới nhất, Omicron.

Vì Omicron đang là biến thể chiếm ưu thế, nguy cơ mất khứu giác do COVID-19 hiện nay không còn quá cao, nhưng đa phần những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên trong đại dịch vẫn đang phải sống với chứng rối loạn khứu giác. Một nghiên cứu năm 2021 theo dõi 100 người từng mắc COVID-19 mức độ nhẹ và so sánh với nhóm 100 người chưa từng mắc. Hơn một năm sau khi khỏi bệnh, 46% nhóm từng nhiễm COVID-19 vẫn gặp vấn đề về khứu giác, trong khi đó con số này chỉ có 10% ở nhóm đối chứng. Hơn nữa, 7% những người từng nhiễm COVID-19 vẫn bị mất khứu giác hoàn toàn một năm sau khi khỏi bệnh. Với hơn 500 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 đã được xác nhận trên toàn thế giới, hàng chục triệu người có thể đang gặp các vấn đề về khứu giác. Và việc không thể ngửi các mùi khác nhau hay nếm vị đồ ăn kéo theo nhiều nguy hiểm và gây ra đau khổ về mặt tinh thần, các nhà khoa học lưu ý.

Sau khi bị nhiễm COVID-19, một số người đã phục hồi khả năng cảm nhận mùi nhờ luyện tập khứu giác.

Cơ chế gây bệnh

Trong giai đoạn đầu của đại dịch, một nghiên cứuđã chỉ ra, virus tấn công các tế bào có nhiệm vụ cung cấp chất dinh dưỡng và hỗ trợ các tế bào thần kinh cảm nhận mùi trong mũi. Để tiếp tục nghiên cứu những gì xảy ra với các tế bào thần kinh sau đó, nhóm nhà hóa sinh học Stavros Lomvardas tại Đại học Columbia đã kiểm tra thi thể những người chết vì COVID-19. Kết quả, tế bào thần kinh vẫn nguyên vẹn, nhưng chúng có ít thụ thể phát hiện các phân tử mùi hơn hẳn so với bình thường.

Đầu năm nay, một nhóm nghiên cứu báo cáo tìm thấy một đột biến di truyền ở những người mất khứu giác hoặc vị giác sau khi nhiễm COVID-19.

Cũng có bằng chứng về những thay đổi lâu dài trong não của những người bị mất khứu giác. Một nghiên cứu được công bố vào ngày 6/3 đã quét não 785 người ở Vương quốc Anh hai lần. Khoảng 400 người trong số đó bị nhiễm COVID-19 lần đầu giữa hai lần quét, vì vậy các nhà khoa học có thể quan sát những thay đổi về cấu trúc não. Những người sống sót sau COVID-19 xuất hiện nhiều thay đổi, gồm các dấu hiệu tổn thương mô ở các khu vực liên quan đến trung tâm khứu giác của não. Không rõ tại sao lại như vậy, nhưng có một khả năng là thiếu thông tin đầu vào từ mũi. “Khi chúng ta cắt bỏ đầu vào từ mũi, phần não liên quan đến khứu giác sẽ bị teo. Đó là một trong những điều rõ ràng nhất mà chúng tôi biết về vị và mùi," nhà di truyền học Danielle Reed tại Trung tâm giác quan hóa học Monell Mỹ, giải thích.

Phương pháp điều trị

Nhiều phương pháp điều trị đang được khám phá, nhưng vẫn đang ở bước đầu và chỉ ở trong các thử nghiệm lâm sàng nhỏ, vì vậy phương pháp mà hầu hết các nhà nghiên cứu khuyên dùng lúc này là rèn luyện khứu giác. Bệnh nhân được đưa cho các mẫu chất có mùi mạnh để ngửi và cố gắng xác định mùi, nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi tín hiệu khứu giác. Tuy nhiên, phương pháp này dường như chỉ hiệu quả với những người bị mất mùi một phần, Reed nói. Số này chỉ chiếm khoảng một phần ba số người gặp vấn đề khứu giác sau khi nhiễm COVID-19.

Để tìm ra phương pháp điều trị cho những người khác, nhiều nhà nghiên cứu đang thử nghiệm steroid, hợp chất có tác dụng giảm viêm. COVID-19 là tác nhân gây ra tình trạng viêm lan rộng, có thể góp phần gây rối loạn mùi. Vì vậy, về lý thuyết, steroid có thể giúp ích, nhưng trên thực tế kết quả đến nay không khả quan. Trong một nghiên cứu năm 2021, 50 người người bị chứng rối loạn khứu giác hậu COVID được xịt mũi với steroid mometasone furoate, trong khi 50 người còn lại thì không. Không có sự khác biệt đáng kể về kết quả giữa hai nhóm.

Một phương pháp điều trị khác là huyết tương giàu tiểu cầu - chất này được tạo ra từ máu của chính bệnh nhân và rất giàu chất hóa sinh có thể giúp chữa lành các tổn thương do COVID-19. Trong một nghiên cứu công bố năm 2020,5 trong số 7 bệnh nhân được tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào mũi, có cải thiện sau 3 tháng. Tương tự, một bản thảo công bố vào tháng 2 năm nay đã theo dõi 56 người và phát hiện ra rằng huyết tương giàu tiểu cầu khiến họ nhạy cảm hơn với mùi. Nhưng đây là “những con số thực sự nhỏ”, chuyên gia về mũi và xoang Carl Philpott tại Đại học East Anglia Anh, nói. Một nhóm nghiên cứu tại Mỹ hiện đang khởi động một nghiên cứu lớn hơn về huyết tương.

Không giống như vaccine COVID-19, được thử nghiệm với tốc độ nhanh chưa từng có vì nhận được nhiều đầu tư, các phương pháp điều trị rối loạn chức năng sau COVID không được nhận quá nhiều sự chú ý. Philpott đang trong giai đoạn đầu của một nghiên cứu nhỏ về vitamin A, chất có thể giúp điều trị các dạng mất mùi khác không phải do COVID-19. “Nhưng sẽ mất cả năm nay để thực hiện và phải đến đến giữa năm sau chúng tôi mới hoàn thành phân tích dữ liệu và báo cáo,” Philpott nói. “Nếu khả quan, mục tiêu tiếp theo sẽ là xin thêm tài trợ để thực hiện một thử nghiệm đầy đủ.”

Nguồn: