Nhà vật lý người Mỹ Richard L. Garwin đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển bom khinh khí. Ông cũng dốc sức cải thiện các kỹ thuật sơ khai dẫn đến phát triển máy chụp cộng hưởng từ (MRI) và màn hình cảm ứng. Sau này, ông trở thành cố vấn khoa học được nhiều tổng thống kính trọng.

Richard Lawrence Garwin chào đời ngày 19/4/1928 ở Cleveland. Cha ông là kỹ sư và giáo viên khoa học ở cấp phổ thông, đã khuyến khích con trai mày mò máy móc, sửa chữa thiết bị khi còn nhỏ.

Garwin hoàn thành việc học với tốc độ vượt trội, khi 19 tuổi đã lấy bằng cử nhân ở Trường Khoa học Ứng dụng Case của Cleveland. Hai năm sau đó, ông hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Chicago, tốt nghiệp năm 1949 với một số điểm thi cao nhất từng được ghi nhận ở khoa vật lý của trường này.

Garwin là học trò cưng của nhà vật lý Enrico Femi. Nhà vật lý Femi đánh giá học trò của mình rất cao, nhận xét Garwin là “thiên tài thực sự duy nhất mà tôi từng biết”. Garwin được thầy sắp xếp cho một công việc sau đại học mùa hè tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos. Tại đây, chàng trai trẻ tuổi được tuyển vào đội ngũ các nhà khoa học phụ trách chế tạo quả bom khinh khí đầu tiên.

Trên thực tế, tiến sĩ Garwin không phải là cha đẻ của bom khinh khí. Nhưng ông đã tận dụng các lý thuyết về bom do nhà vật lý người Hungary Edward Teller và nhà toán học người Ba Lan Stanislaw phát triển để thiết kế quả bom khinh khí đầu tiên có thể hoạt động ngoài thực tế. Theo hồ sơ được viết trên tạp chí IEEE Spectrum, khi đó ông mới chỉ 23 tuổi. Quả bom có mật danh là Ivy Mike đã được vận chuyển đến Tây Thái Bình Dương và kích nổ trong một cuộc thử nghiệm tại Đảo san hô Enewetak vào tháng 11/1952, tạo ra 10,4 megaton TNT (đơn vị đo lường định lượng lực của vũ khí hạt nhân).

Chỉ nhằm mục đích chứng minh khái niệm nhiệt hạch, thiết bị này trông không giống một quả bom. “Mike” trông giống như một phích khổng lồ khi được đặt trên một hệ thống các xi-lanh khổng lồ lồng vào nhau. Ở trung tâm là một bình chứa deuterium được làm lạnh – một dạng của hydro. Toàn bộ cấu trúc có chiều cao tương đương hai tầng nhà, nặng 82 tấn và không thể vận chuyển bằng máy bay, theo Richard Rhodes - tác giả của cuốn sách đoạt giải Pulitzer “The Making of the Atomic Bomb”.

“Mike” có năng lượng nổ lớn gấp 700 lần quả bom mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima (Nhật Bản) vào năm 1945 khi Thế chiến II kết thúc. Đám mây hình nấm của vụ nổ bốc cao khoảng 40 km và mở rộng ra khoảng 161 km. Công trình này có sự góp sức của đông đảo nhà khoa học, nhưng đóng góp của tiến sĩ Garwin là vô cùng nổi bật. Vì quá trình phát triển các chương trình vũ khí nhiệt hạch của Mỹ đều được giữ bí mật, nên vai trò của tiến sĩ Garwin trong việc tạo ra quả bom khinh khí đầu tiên hầu như không được biết đến trong nhiều thập kỷ, ngoài một nhóm nhỏ các nhà khoa học, nhà toán học và kỹ sư tại Los Alamos, các quan chức tình báo và quốc phòng của chính phủ. Chính tiến sĩ Teller, cái tên từ lâu đã gắn liền với quả bom, là người đầu tiên công khai ghi nhận công lao của ông.

Khi những người khác gặp khó khăn trong việc thống nhất các chi tiết, Garwin đã tìm ra phương pháp định hướng bức xạ từ thiết bị nguyên tử để bắt đầu phản ứng nhiệt hạch trong hydro. Ông nhận mình là “bà đỡ” cho thiết kế cuối cùng của quả bom thử nghiệm – thứ mà ông gọi là “que diêm cho đống lửa hạt nhân”.

Vừa có kiến thức lý thuyết vững chắc, vừa có nhiều sáng kiến thực tế, tiến sĩ Garwin là ứng cử viên hoàn hảo để giải quyết vấn đề như vậy. Nhà vật lý và người thiết kế bom khinh khí Marshall Rosenbluth khi trả lời tờ New York Times trong một bài báo năm 2001 về đóng góp của tiến sĩ Garwin tại Los Alamos đã nói: “Tôi là một nhà lý thuyết thuần túy, và có rất nhiều kiểu kỹ sư thực nghiệm, song không có nhiều người có thể đóng vai trò là cầu nối giữa hai kiểu người này”. Ông nói thêm rằng tiến sĩ Garwin có “sự kết hợp tài năng hiếm có”.

Tiến sĩ Richard L. Garwin năm 1960 tại Phòng thí nghiệm IBM Watson thuộc Đại học Columbia ở New York. Nguồn: AP
Tiến sĩ Richard L. Garwin năm 1960 tại Phòng thí nghiệm IBM Watson thuộc Đại học Columbia ở New York. Nguồn: AP

Tiến sĩ Garwin tiếp tục làm việc trong các mùa hè tại Los Alamos cho đến năm 1966. Ông cũng là người tham gia lâu năm vào nhóm các nhà khoa học bí mật có mật danh là JASON, chuyên giúp Bộ Quốc phòng giải quyết các vấn đề kỹ thuật nan giải.

Tiến sĩ Garwin còn là cố vấn cho các Tổng thống như Dwight D. Eisenhower, John F. Kennedy, Lyndon B. Johnson, Richard M. Nixon, Jimmy Carter và Bill Clinton. Ông kiên định ủng hộ việc kiểm soát vũ khí, thừa nhận rằng quốc gia cần phải sống “an toàn với kiến thức về sự hữu diệt của mình”, đồng thời tìm cách hạn chế việc thử nghiệm và phổ biến vũ khí chết người. Ông lập luận rằng sự cân bằng khủng bố hạt nhân giữa Liên Xô và Mỹ là phương án tốt nhất để tồn tại Chiến tranh Lạnh, đồng thời ủng hộ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân có thể xác minh.

Mặc dù tiến sĩ Garwin bày tỏ sự thất vọng khi các quan chức chính phủ đôi khi bỏ qua các lập luận khoa học của ông để ủng hộ quan điểm chính trị, nhưng nhiều ý tưởng của ông đã thành hiện thực. Ông là người ủng hộ chương trình vệ tinh do thám chụp ảnh đầu tiên của Mỹ, hoạt động từ năm 1960 đến năm 1972.

Tài năng của Garwin không chỉ giới hạn trong lĩnh vực quân sự mà còn tỏa sáng trong nhiều phương diện khác. Trong hơn 40 năm làm nhà nghiên cứu tại Công ty IBM, ông đã góp sức vào một loạt các khám phá và đổi mới khoa học, chẳng hạn như công nghệ hình ảnh và màn hình cảm ứng máy tính đầu tiên của IBM. Ông còn nắm trong tay 47 bằng sáng chế, bao gồm một bằng sáng chế cho thiết bị rửa trai.

Trong nhiều thập kỷ, tiến sĩ Garwin đã không ngừng thúc đẩy cuộc săn tìm sóng hấp dẫn – những gợn sóng trong cấu trúc không gian-thời gian mà Einstein đã dự đoán. Vào năm 2015, các máy dò đắt tiền mà ông hỗ trợ đã có thể quan sát thành công những gợn sóng, mở ra một cửa sổ mới vào vũ trụ.

Năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã trao tặng tiến sĩ Garwin Huân chương Tự do của Tổng thống - danh hiệu dân sự cao nhất của quốc gia này. Nhà Trắng đã nêu bật những đóng góp của ông cho “các công nghệ tình báo và quốc phòng của Mỹ, vật lý nhiệt độ thấp và hạt nhân, phát hiện bức xạ hấp dẫn, chụp cộng hưởng từ (MRI), hệ thống máy tính, in laser, kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Trong thời gian Tổng thống Obama đương nhiệm, ông đã tư vấn cho Bộ trưởng Năng lượng Steven Chu - người đoạt giải Nobel Vật lý - về phản ứng của Mỹ đối với sự cố tràn dầu Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico và thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản.

Trong nhiều năm, tiến sĩ Garwin đi giảng dạy tại các trường Đại học Columbia, Cornell và Harvard và giành được nhiều giải thưởng, bao gồm Huân chương Khoa học Quốc gia. Ông đã viết hàng trăm bài báo trên tạp chí và đồng tác giả cuốn sách năm 2001 “Megawatts and Megatons: A Turning Point in the Nuclear Age?” với người đoạt giải Nobel Georges Charpak. Ông nghỉ hưu tại IBM vào năm 1993.

Nguồn:

washingtonpost, cbsnews, nytimes

Bài đăng KH&PT số 1347 (số 23/2025)