Easterlin là nhà kinh tế học tiên phong kết hợp hạnh phúc của con người với các xu hướng nhân khẩu học, tạo ra những công trình có tầm ảnh hưởng lớn và tiếp tục định hình tư tưởng kinh tế cũng như các cuộc thảo luận về chính sách.
Khi nhận được tiền thưởng cuối năm hay khi được tăng lương, bạn có thấy hạnh phúc hơn không? Cảm giác phấn chấn mà điều này mang lại liệu có nhanh chóng nhạt phai, nhất là khi những người xung quanh bạn chiến thắng trong trò chơi rút thăm trúng thưởng?
Nếu câu trả lời là việc tăng lương không cải thiện nhiều cảm giác hạnh phúc của bạn, vậy thì bạn là một minh chứng cho nghịch lý Easterlin – một thuyết kinh tế cho rằng tiền bạc, về lâu về dài, sẽ không thể mua được hạnh phúc.
Nghịch lý này được nhà kinh tế học Richard A. Easterlin đặt ra, ông là nhà nhân khẩu học và là nhân vật có ảnh hưởng trong lĩnh vực nghiên cứu hàn lâm về hạnh phúc. Easterlin còn được gọi là “cha đẻ của kinh tế học hạnh phúc”.
Công trình nghiên cứu của Easterlin đã thách thức cả quan niệm truyền thống lẫn nguyên lý kinh tế cốt lõi: sự tăng trưởng kinh tế trong xã hội dẫn tới sự cải thiện chung về cảm giác hạnh phúc.
Các nhà kinh tế học, các nhà hoạch định chính sách và những công dân bình thường từ lâu đã nhận định rằng việc tăng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia – tổng sản lượng kinh tế – sẽ cải thiện hạnh phúc của người dân.
Nhưng vào những năm 1970, Easterlin đã đăng một nghiên cứu cho thấy: dù mức thu nhập ở Hoa Kỳ tăng mạnh kể từ Thế chiến II, song người dân trả lời khảo sát rằng họ không thấy hạnh phúc hơn.
Ông cũng tìm thấy các kết quả tương tự ở Nhật Bản, một trong những nước đã vươn lên hàng ngũ những quốc gia giàu nhất thế giới sau khi tái thiết từ đống đổ nát hậu thế chiến. Easterlin đã xác định lý thuyết sẽ được gọi là nghịch lý Easterlin trong một bài báo ra đời năm 1974: “Liệu tăng trưởng kinh tế có cải thiện số phận con người?”
Sau khi xem xét các cuộc thăm dò ý kiến từ 19 quốc gia, ông phát hiện ra rằng những người sung túc hạnh phúc hơn người nghèo. Nhưng khi thu nhập tăng lên, hạnh phúc của con người không tăng lên theo tỷ lệ thuận.
“Mặc dù tôi hạnh phúc hơn bởi vì thu nhập tăng, thế nhưng tôi bớt vui hơn bởi vì những người khác cũng có mức lương cao hơn”, ông giải thích. “Kết quả là, bởi vì sự so sánh xã hội, mọi người không thấy thu nhập tăng là cội nguồn hạnh phúc”.
Nghịch lý mà Easterlin đưa ra đã được các học giả khác trích dẫn hàng ngàn lần. Không chỉ vậy, nghịch lý này đã vượt ra khỏi lĩnh vực học thuật và đi vào niềm tin đại chúng. Tiền bạc không mua được hạnh phúc – đây là lời khẳng định đanh thép đối với những người chống lại chủ nghĩa tôn thờ vật chất và những người hoài nghi về sự tăng trưởng bằng bất cứ giá nào.
Richard A. Easterlin (1926-2024) là nhà kinh tế học tiên phong đã kết hợp hạnh phúc của con người với các xu hướng nhân khẩu học.
Vào năm 2008, nghịch lý Easterlin gặp phải sự công kích từ cặp đôi nhà kinh tế học trẻ tuổi là Justin Wolfers và Betsey Stevenson. Trong một bài báo, hai người này cho biết một cuộc thăm dò ý kiến rộng rãi hơn được tiến hành trong 34 năm, kể từ khi Easterlin lần đầu công bố học thuyết nổi tiếng, đã làm suy yếu kết luận của ông. Họ tìm thấy bằng chứng gợi ý rằng tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia quả thực gắn liền với hạnh phúc gia tăng.
Daniel Kahneman, nhà tâm lý học thuộc Đại học Princeton và người đoạt giải Nobel Kinh tế, cho biết: “Có nhiều bằng chứng tích lũy cho thấy nghịch lý Easterlin có thể không tồn tại”.
Easterlin phản hồi rằng mặc dù ông đồng ý về việc người dân ở các nước giàu hơn bày tỏ họ thỏa mãn về cuộc sống nhiều hơn so với những người ở các nước nghèo, song ông tỏ ra hoài nghi khi cho rằng giàu có là nguồn gốc hạnh phúc của họ. Ông gọi công trình của cặp đôi Wolfers- Stevenson là “một bản thảo rất thô sơ và không có đủ bằng chứng”.
Richard Ainley Easterlin lấy bằng thạc sĩ kỹ thuật tại Học viện Công nghệ Stevens ở Hoboken, New Jersey vào năm 1945. Tuy nhiên, sau đó ông chuyển hướng sang lĩnh vực kinh tế học. Ông lấy bằng thạc sĩ kinh tế năm 1949 và bằng tiến sĩ năm 1953 ở Đại học Pennsylvania. Ông ở lại trường và giảng dạy về kinh tế học trong hơn 30 năm, ba lần giữ chức chủ nhiệm khoa kinh tế.
Năm 1982, ông chuyển sang công tác tại Đại học Nam California, nơi ông trở thành giáo sư đại học ở Trường Văn chương, Nghệ thuật và Khoa học Dornsife. Ông được trao tặng danh hiệu Giáo sư danh dự vào năm 2018.
Bên cạnh công trình nghiên cứu về kinh tế học và hạnh phúc, ông Easterlin còn phân tích các xu hướng nhân khẩu học. Ông đưa ra hiệu ứng Easterlin, giải thích các xu hướng nhân khẩu về lâu về dài như hiện tượng số lượng trẻ em ra đời tăng mạnh hoặc sụt giảm. Lý thuyết này cho rằng tỷ lệ sinh chịu ảnh hưởng bởi thu nhập tương đối hơn là các mức thu nhập tuyệt đối. Tức là khi lương của bạn là 10 triệu đồng, mà xung quanh bạn nhiều người lương 20 triệu, 30 triệu, vậy thì bạn sẽ cảm thấy lương của mình thấp, không đủ để nuôi thân cũng như lo cho con cái sau này.
Ông viết, khi thị trường làm việc sôi động, các cặp đôi kết hôn khi còn trẻ và tỷ lệ sinh của quốc gia tăng. Tuy nhiên, khi khó kiếm việc, thanh niên sẽ trì hoãn việc kết hôn và tỷ lệ sinh giảm. Theo quan điểm của ông, thời kỳ bùng nổ trẻ em 1946-1965 diễn ra bởi vì có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập tăng lên và các cặp đôi tự tin rằng mình đủ điều kiện để lập gia đình. Những yếu tố trái ngược hội tụ trong cuối những năm 1960 và 1970 đã dẫn tới hiện tượng tỷ lệ trẻ em sụt giảm.
Mặc dù từ lâu Easterlin đã tin rằng không chính sách công nào sẽ giúp tăng tổng hạnh phúc của con người, ông đã đổi ý vào những năm 1990, công nhận rằng nhiều yếu tố khác ngoài thu nhập có ý nghĩa quan trọng với cảm giác hạnh phúc.
Năm 2021, ông cho ra mắt cuốn sách “Bài học về hạnh phúc của nhà kinh tế học: Vĩnh biệt, Khoa học ảm đạm!” Cuốn sách đã chắt lọc hơn năm thập kỷ nghiên cứu của ông về bản chất hạnh phúc của con người. Trong đó, ông đưa ra nhiều thông tin đáng ngạc nhiên về những yếu tố góp phần tạo nên hạnh phúc, làm sáng tỏ hiểu biết sâu sắc hơn về hạnh phúc, nhấn mạnh nhiều yếu tố quan trọng khác ngoài sự thịnh vượng kinh tế như sức khỏe và đời sống gia đình viên mãn có tác động đáng kể tới cảm giác hạnh phúc.
Cách tiếp cận sáng tạo của ông với kinh tế, kết hợp phân tích chặt chẽ với mối quan tâm sâu sắc tới hạnh phúc của con người, đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách, khuyến khích họ xem xét nhiều yếu tố hơn khi đánh giá tiến bộ và hạnh phúc của xã hội.
Easterlin được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia và Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ, và được trao Giải thưởng IZA về Kinh tế lao động – một trong những giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực kinh tế lao động.
Nguồn:
nytimes.com, dornsife.usc.edu
Bài đăng KH&PT số 1336 (số 12/2025)