Là hậu duệ của gia tộc tài chính quyền lực Rothschild, Miriam Louisa Rothschild lại có hướng đi khác khi dấn thân vào khoa học. Trong suốt cuộc đời nghiên cứu, bà đã đạt được nhiều thành tựu học thuật và góp phần bảo tồn thiên nhiên.

Miriam Louisa Rothschild sinh ra vào ngày 5/8/1908, là con gái cả của (Nathaniel) Charles Rothschild - con trai thứ của Nam tước Rothschild đời thứ nhất. Là hậu duệ của gia tộc tài chính quyền lực Rothschild, song Miriam lại chọn hướng đi khác khi dấn thân vào khoa học. Song, điều này cũng dễ hiểu khi cha bà – một ông chủ ngân hàng bận rộn nhưng có niềm đam mê mãnh liệt với lịch sử tự nhiên và là một chuyên gia về bọ chét. Ông đã xác định được bọ chét chuột là nguyên nhân gây ra dịch hạch và thành lập Hiệp hội thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên (nay là Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên Hoàng gia). Ông phát hiện hơn 500 loài bọ chét mới và thu thập được 30.000 mẫu vật. Sau này, Miriam đã phân loại và tập hợp những mẫu vật này thành danh mục gồm sáu tập trong 30 năm (1953-1983). Bộ sưu tập Rothschild hiện được trưng bày tại Bảo tàng Anh.

Miriam bắt đầu quan tâm tới lĩnh vực ký sinh trùng học khi cha cho phép bà phụ giúp bắt bọ chét từ một con chuột mà ông bẫy được trong kỳ nghỉ ở Transylvania. “Cha không bao giờ đối xử với tôi như một đứa trẻ, mà khiến tôi tin rằng mình đang giúp đỡ ông trong công việc” – sau này Miriam nhớ lại.

Thế giới của Miriam trở nên u ám vào năm 15 tuổi, khi người cha thân yêu tự tử. Bà chẳng thiết tha gì với niềm đam mê của ông nữa. Nhưng một, hai năm sau, lòng nhiệt tình của bà lại được nhen nhóm khi phụ giúp em trai giải phẫu một con ếch.

“Tôi chưa từng thấy các cơ quan nội tạng, mạch máu và dây thần kinh tươi sống” - bà viết trong một bài luận trên tạp chí Scientific American. Miriam gọi trải nghiệm này là “bước ngoặt cuộc đời”, bà viết, “Vẻ đẹp cực độ của chúng là một sự mặc khải”.

Sau khi học vài khóa ở Đại học London (nhưng chưa bao giờ có bằng), bà làm việc ở Naples và England để nghiên cứu một loại nhuyễn thể. “Trong ngày đầu tiên giải phẫu động vật Vỏ hai mảnh, tôi phát hiện một mẫu vật bị nhiễm ấu trùng sán lá” – một loài giun dẹp ký sinh. “Dường như đây là một loài chưa từng được mô tả và cực kỳ phi thường ở mọi góc độ. Số phận của tôi đã được định đoạt. Tôi hoàn toàn bị cuốn hút”.

Công trình nghiên cứu của bà về loài nhuyễn thể Nucula và sán lá ký sinh ở Trạm Sinh vật biển, Plymouth vào những năm 1930 đã được các nhà khoa học đồng nghiệp chú ý. Bà tìm hiểu về loài sán lá 16 tiếng một ngày cho tới khi quả bom của Đức quốc Xã xóa sổ mọi dấu vết của bảy năm trời nghiên cứu.

Trong thời gian này, Miriam còn là biên tập viên của Novitates Zoologica, tạp chí của Bảo tàng Tring (1938 – 1941), và trở nên nổi tiếng với công trình nghiên cứu về loài mòng biển đầu đen. Bà mua trứng mòng biển ở chợ Leadenhall, ấp trứng trong máy ấp tại nhà, cho con non ăn vào ống bút mực và rồi đặt chúng vào chuồng chim. Vào tháng 11/1938, bà trình bày một bài báo tại Hiệp hội Động vật học về chủ đề “tụ thành nhóm” và chủ nghĩa lãnh thổ của mòng biển.

Trong chiến tranh, bà vượt qua bài kiểm tra để trở thành nhân viên giám sát phòng không, nhưng trước tiên được giao làm người vắt sữa. Sau đó, bà được bí mật triệu tập tới làm việc trong dự án phá mật mã tuyệt mật Enigma ở trạm giải mã thời chiến Bletchley Park, làm việc 12 tiếng/ngày trong vài năm với Alan Turing - người được coi là cha đẻ của ngành khoa học máy tính và AI.

Sau chiến tranh, Miriam chuyển sang quan tâm bọ chét thỏ. Bà xác định vòng sinh sản của bọ chét thỏ được điều chỉnh theo vật chủ. Cụ thể, chu kỳ sinh sản của chúng phụ thuộc vào hormone của thỏ. Phát hiện này đã góp phần khẳng định “mạng lưới sự sống” hiện đại về bảo tồn, coi việc bảo vệ môi trường sống là yếu tố thiết yếu để đảm bảo sự sống còn của các loài bị đe dọa.

Cuốn sách “Fleas, Flukes & Cuckoos: A Study of Bird Parasites”, mà bà viết cùng nhà côn trùng học Theresa Clay vào năm 1952, là một nghiên cứu có tính khai sáng về ký sinh trùng ở chim, được cả người thường và giới khoa học khen ngợi.

Sử dụng công nghệ chụp ảnh tốc độ cao, bà nghiên cứu cách bọ chét nhảy. Bà đưa ra giả thuyết rằng chúng là hậu duệ của tổ tiên có cánh và sử dụng cấu trúc bay bị biến đổi. Khi nhảy, bọ chét đạt được gia tốc 194g, gấp 20 lần gia tốc của tên lửa Mặt trăng khi quay lại bầu khí quyển của Trái đất: một động tác mà chúng lặp lại 30.000 lần mà không dừng lại hay mệt mỏi.

Miriam Louisa Rothschild (1908-2005).
Miriam Louisa Rothschild (1908-2005).

Không chỉ hoạt động trong ngành ký sinh trùng, Miriam tiếp tục thử sức trong các lĩnh vực hóa học, dược lý, sinh lý thần kinh, làm vườn và động vật học. Bà là một trong những người tiên phong thực hành phương pháp tiếp cận liên ngành mới với nghiên cứu sinh học là sinh thái học. Bà bắt tay vào thiết kế các khu vườn để thu hút bướm và viết nhiều về chủ đề này. Miriam đã hợp tác với nhà hóa học đoạt giải Nobel Tadeus Reichstein để nghiên cứu loài bướm và họ đã đưa ra một kết luận vô cùng độc đáo: loài bướm tự biến mình thành chất độc với loài ăn thịt chúng bằng cách ăn thứ có độc.

Sau khi xác định màu sắc tươi sáng trên cánh bướm là tín hiệu cảnh báo về độc tính của chúng, bà phát hiện rằng các loài khác đã tiến hóa để bắt chước màu sắc báo hiệu nguy hiểm. Bà còn nhận thấy các loài khác đã bắt chước mùi do bướm độc tiết ra. Những quan sát cực kỳ độc đáo của bà đã giúp xác nhận suy đoán về lý thuyết tiến hóa của các nhà tự nhiên học trong thế kỷ 19.

Miriam cũng là người khởi xướng phong trào bảo tồn đồng cỏ tự nhiên trước chính sách trồng cỏ lúa mạch đen của Bộ Nông nghiệp. Tầm nhìn của bà đã nhận được sự ủng hộ của những người có ảnh hưởng như Hoàng tử Charles. Bà cũng là người mang loài hoa dại Chaucerian trở lại nước Anh hiện đại. Miriam được công nhận là một trong những nhà tự nhiên học lỗi lạc nhất thế giới.

Trong suốt sự nghiệp của mình, bà đã xuất bản hơn 300 bài báo khoa học và một số cuốn sách, bao gồm Atlas of Insect Tissue (đồng tác giả, 1985); Butterfly Cooing Like a Dove (1991); The Rothschild Gardens (1996) và Rothschild’s Reserves, Time and Fragile Nature (cùng với Peter Marren, 1997). Năm 1996, bà mở Bảo tàng Chuồn chuồn Quốc gia tại một nhà máy cũ trên khu điền trang Ashton Wold của mình.

Miriam là ủy viên quản trị của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên từ năm 1967 đến năm 1975. Trong 20 năm, bà là thành viên nữ duy nhất của Câu lạc bộ Côn trùng học gồm tám thành viên. Năm 1982, Miriam được phong tước CBE – một tước hiệu cao quý dành cho các công dân có đóng góp đáng kể cho xã hội. Năm 1985, bà được bầu làm thành viên của Hiệp hội Hoàng gia, lần đầu tiên danh sách của Hội cùng có mặt một cặp chị em (em trai Victor của bà được bầu vào năm 1953). Năm 1999, Miriam được Nữ hoàng Anh ban tặng tước hiệu Dame (Quý bà) nhờ những thành tựu khoa học của mình.

Nguồn:

nytimes, telegraph

Bài đăng KH&PT số 1343 (số 19/2025)