Giống như nhiều nhà khoa học nữ khác cùng thời, những đóng góp khoa học của Esther Lederberg không được ghi nhận xứng đáng vì giới tính của bà.
Chào đời vào năm 1922, Esther Miriam Zimmer sống trong cảnh nghèo khó cùng gia đình ở thành phố New York. Nhờ năng lực học tập mạnh mẽ, Esther đã vượt lên trên hoàn cảnh và nhận được học bổng của Trường Hunter, nơi bà theo đuổi ngành hóa sinh, dù nhiều người đã khuyên rằng chủ đề này “quá khó cho phụ nữ”. Bà tiếp tục lấy bằng thạc sĩ về di truyền học tại Đại học Stanford bằng tiền học bổng, dù hoàn cảnh khó khăn tới nỗi đôi khi bà qua bữa bằng thịt đùi ếch sót lại sau khi giải phẫu.
Esther gặp Joshua Lederberg – người chồng đầu tiên không lâu sau khi tốt nghiệp Stanford. Vài tháng sau, hai người kết hôn, khi Esther 23 còn Joshua 21 tuổi. Cặp đôi nhanh chóng chuyển tới Đại học Wisconsin, nơi họ bắt đầu nhiều năm hợp tác mang lại thành tựu lớn, Esther cũng lấy bằng tiến sĩ tại ngôi trường này. Là một nhà tư tưởng lỗi lạc, Joshua trở nên nổi tiếng vì những ý tưởng lớn của mình. Còn Esther phát triển chuyên môn là nhà thực nghiệm, đảm nhận vai trò thử nghiệm những ý tưởng lớn trong phòng thí nghiệm – một công việc thường buồn tẻ, kéo dài không dứt.
Trong suốt những năm 1950, hai vợ chồng đã công bố nhiều bài báo, có bài đăng cùng nhau, có bài đăng riêng, khi cả hai đều có những khám phá về vi khuẩn, chứng minh rằng sinh vật đơn giản này có thể làm sáng tỏ “các sự kiện hóa học tạo nên sự sống”.
Joshua đoạt giải Nobel vì đã lật đổ quan niệm cho rằng vi khuẩn luôn tạo ra những bản sao giống hệt nhau khi sinh sản, ông phát hiện ra rằng chúng cũng có thể có hoạt động giống quan hệ tình dục, trộn lẫn vật liệu di truyền và tạo ra thứ mới. Esther làm việc cùng ông và đưa ra những khám phá liên quan như xác định một “yếu tố sinh sản” cho phép việc trộn lẫn xảy ra. Esther cũng khám phá ra một con virus mà bà đặt tên là lambda phage, một loại virus lây nhiễm vi khuẩn E. coli. Bà công bố báo cáo đầu tiên về nó trên tạp chí Microbial Genetics Bulletin vào năm 1951. Con virus này nhanh chóng trở thành một công cụ quan trọng và được sử dụng phổ biến trong nghiên cứu tái tổ hợp và điều hòa gene.
“Phát hiện của bà về lambda có ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực di truyền phân tử và virus học”, tiến sĩ hóa sinh Dale Kaiser cho biết. “Nó đã dẫn đến công trình của rất nhiều người”. Ông giải thích rằng lambda phage là một loại virus thuộc thể thực khuẩn ôn hòa, nó có thể sống trong tế bào một thời gian thay vì giết chết tế bào ngay sau khi sinh sản. Virus này trở thành mô hình cho các loại virus động vật có vòng đời tương tự, bao gồm một số loại virus khối u và virus herpes.
Esther đã đặt nền tảng cho việc chứng minh cách virus phage có thể truyền gene giữa các vi khuẩn, và những phát hiện của bà có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hiểu biết về cách điều hòa gene, cách các đoạn DNA tách ra và kết hợp lại để tạo thành gene mới, và các quá trình tạo ra RNA từ DNA bắt đầu và dừng lại. Có thể nói, nhiều công trình có tính đột phá đã không thể thực hiện được nếu không có những đóng góp của bà.
Esther cùng chồng đã phát triển kỹ thuật nhân bản đĩa nuôi cấy. Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã sử dụng một công cụ giống như que tăm xỉa răng để di chuyển cùng lúc một cụm vi khuẩn trong phòng thí nghiệm. Năm 1952, vợ chồng Lederberg tìm ra cách di chuyển hàng trăm khuẩn lạc cùng một lúc bằng cách sử dụng miếng vải nhung đã khử trùng. Đây là một phương pháp đơn giản nhưng tinh tế. Miếng vải được ấn lên bề mặt của tấm đựng khuẩn lạc trên đĩa petri để thu thập một số vi khuẩn, giống như con dấu ấn vào tấm mực. Sau đó, nó được ấn theo cùng hướng lên một loạt tấm có môi trường nuôi cấy khác nhau, đóng dấu các mẫu khuẩn lạc lên từng tấm. Bằng cách quan sát khuẩn lạc nào có thể phát triển trong tấm nào, cặp đôi đã chứng minh được các đột biến xảy ra ngẫu nhiên trong quá trình tiến hóa chứ không phải vì cần thiết - một chủ đề gây tranh cãi gay gắt vào thời điểm đó. Từ đó, kỹ thuật nhân bản đĩa nuôi cấy được áp dụng rộng rãi.

Ghi nhận công lao của ai trong phòng thí nghiệm luôn là một vấn đề rắc rối, nhưng chắc chắn Esther đã bị gạt ra ngoài lề sau khi người chồng nhận giải Nobel Sinh lý học hoặc Y khoa năm 1958 vì khám phá ra cách vật liệu di truyền được truyền giữa các vi khuẩn, cùng với người cố vấn của bà và một cộng sự nghiên cứu khác. Trong khi đó, công trình của Esther dù đã đóng góp đáng kể vào khám phá này, nhưng tên bà không được nhắc đến trong trích dẫn. Hai năm trước đó, vợ chồng Lederberg cùng được trao giải Pasteur, một giải thưởng dành cho “những đóng góp nổi bật” cho khoa học. Joshua được trao một giải thưởng khác, Eli Lilly, vào năm 1953 và sau này ông nói với một phóng viên rằng “đáng lẽ ra Esther cũng nên được nhận giải này”. Trong một bài tưởng niệm viết sau khi Esther qua đời, nhà vi sinh vật học nổi tiếng Stanley Falkow cho biết “những đóng góp quan trọng độc lập của Esther trong phòng thí nghiệm của Joshua ... chắc chắn phần nào đã dẫn đến giải Nobel của ông”.
Thực tế, Joshua có nhắc tới Esther trong bài phát biểu Nobel, nói rằng ông “rất vui khi được đồng hành cùng nhiều đồng nghiệp, nhưng trên hết là vợ tôi”. Song sự công nhận chỉ chóng vánh như vậy. Sau lễ trao giải, Joshua được mời làm trưởng khoa di truyền học tại Stanford, còn Esther được đề nghị một vị trí cộng tác viên nghiên cứu ở khoa khác. Kỷ nguyên của “nhóm khoa học vợ chồng” kết thúc, họ ly hôn vào năm 1966.
Cuối cùng, Esther chỉ nhận được một vị trí giảng viên vì bà chấp nhận một công việc không biên chế. Đồng nghiệp của bà, nhà sử học khoa học Pnina G. Abir-Am của Đại học Brandeis cho biết Esther đã phải vất vả đấu tranh để giữ được công việc tại trường sau khi chia tay chồng cũ. Dù Esther làm việc tại Stanford cho đến khi nghỉ hưu, nhưng bà chưa bao giờ có vị trí tương xứng với vị thế của mình trong khoa học.
Câu chuyện về Esther là một câu chuyện đáng buồn nhưng quen thuộc. Trong suốt thế kỷ 20, nhiều phụ nữ làm khoa học được thuê đảm nhận những vị trí khiến họ phải chịu nhiều gánh nặng hơn trong việc gây quỹ và ít được đảm bảo về công việc. Khi họ xuất bản các bài báo thì công lao lại thuộc về các đồng nghiệp nam. Và những người phụ nữ làm việc cùng chồng thường bị coi là trợ lý.
Sau khi Esther qua đời vào năm 2006, người chồng thứ hai của bà là kỹ sư Matthew Simon đã dành nhiều năm biên tập các bức ảnh, tài liệu về cuộc đời và di sản khoa học của bà trên một trang web tưởng niệm. Nhờ vậy, câu chuyện của Esther đã được nhiều người biết đến và bà nhận được sự công nhận xứng đáng với thành tựu của mình.
Nguồn:
Time, The Hindu, Stanford Medicine, Hiệp hội Vi sinh học Mỹ
Bài đăng KH&PT số 1345 (số 21/2025)