Các nhà nghiên cứu Việt Nam đang xuất bản khoa học bằng tiếng Anh quá nhiều, ngay cả với những công trình cần thiết phải xuất bản bằng tiếng Việt.
“Tiếng Việt không chỉ là công cụ giao tiếp hằng ngày mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong nghiên cứu khoa học, phổ biến tri thức khoa học cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển của giáo dục và nghiên cứu, đồng thời giúp kết nối các nhà khoa học trong và ngoài nước”, TS. Phạm Thị Hà, Phó trưởng khoa Việt Nam học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội, khẳng định tại Chương trình Trao đổi học thuật “Lịch sử ngôn ngữ người Việt và giá trị qua thời gian” do Viện Nghiên cứu Nhận thức và Giáo dục Thăng Long (TICES), trường ĐH Thăng Long, tổ chức ngày 15/3.
Theo TS. Phạm Thị Hà, tiếng Việt tạo điều kiện cho những trao đổi học thuật trong nước, cũng như giúp các nhà nghiên cứu tập trung vào nội dung khoa học mà không gặp rào cản về ngôn ngữ, khi không phải nhà nghiên cứu nào cũng có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Ngoài ra, xuất bản bằng tiếng Việt phù hợp với những chính sách giáo dục trong nước. Đa số các trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam vẫn sử dụng tiếng Việt như ngôn ngữ chính trong giảng dạy và nghiên cứu.
Khuyến khích nhưng chưa được ưu tiên
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát nhanh của TS. Phạm Thị Hà đối với một số giảng viên, nhà khoa học và học viên thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, có tới 56,8% người được hỏi cho biết đơn vị của họ có khuyến khích xuất bản khoa học bằng tiếng Việt nhưng vẫn ưu tiên xuất bản quốc tế hơn.
TS. Trần Thị Minh, Viện TICES, trường ĐH Thăng Long, cho biết, GS. Phan Lê Hà, ĐH Brunei Darussalam [1], đã từng đặt vấn đề chảy máu chất xám trong nghiên cứu khoa học “bởi chúng ta sử dụng quá nhiều tiếng Anh để xuất bản, ngay cả với những công trình cần thiết phải xuất bản bằng tiếng Việt”.
Đây không phải là tình trạng riêng có ở Việt Nam. Mặc dù hoạt động xuất bản diễn ra trên toàn cầu, nhưng nó luôn nghiêng hẳn về tiếng Anh. Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các thực hành chỉ mục của Scopus, trong đó quy định các nội dung như tiêu đề, tóm tắt và từ khóa của bài báo phải được cung cấp bằng tiếng Anh để phục vụ độc giả quốc tế. Tiêu chí lựa chọn này ngụ ý tầm quan trọng của tiếng Anh đối với các bài báo được xuất bản, bất kể tạp chí sử dụng ngôn ngữ nào [2].
Liên quan đến tình trạng này ở Việt Nam, các diễn giả nêu mấy lý do chính.
Thứ nhất, như khảo sát nhanh của TS. Phạm Thị Hà chỉ ra, việc thiếu nhiều thuật ngữ khoa học chính xác bằng tiếng Việt là một rào cản với các nhà khoa học khi xuất bản bằng tiếng Việt. Hệ thống thuật ngữ khoa học tiếng Việt đến nay vẫn chưa được chuẩn hóa đầy đủ, khiến các nhà nghiên cứu gặp khó khăn trong diễn đạt ý tưởng một cách chính xác. Nhiều thuật ngữ khoa học được vay mượn từ tiếng nước ngoài bằng cách dịch, phiên chuyển, giữ nguyên dạng, chuyển tự…, dẫn đến một số thuật ngữ chuyên ngành hiện chưa có những bản dịch thống nhất, mỗi văn bản, mỗi nhóm nghiên cứu sử dụng một cách dịch khác nhau. Ngoài ra, một số thuật ngữ quá đặc thù hoặc trừu tượng, không có từ chính xác trong tiếng Việt hoặc khó dịch chính xác sang tiếng Việt mà vẫn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu. Điều này phần nào làm giảm tính nhất quán trong nghiên cứu khoa học bằng tiếng Việt, TS. Phạm Thị Hà nhận định.
Thứ hai, các nhà khoa học cũng đang thiếu các hướng dẫn và tài liệu tham khảo chất lượng bằng tiếng Việt - phần lớn tài liệu hướng dẫn phương pháp nghiên cứu và viết bài khoa học hiện nay đều được viết bằng tiếng Anh - TS. Phạm Thị Hà cho biết thêm. Việc viết bài nghiên cứu bằng tiếng Anh thường được quy định bởi cấu trúc rất rõ ràng, trong khi tiếng Việt chưa có những quy chuẩn chặt chẽ cho văn phong khoa học.
Thứ ba là chính sách ưu tiên xuất bản quốc tế ở rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu hiện nay. Tiêu chí đánh giá học thuật hiện nay chủ yếu dựa vào các công bố quốc tế trên các tạp chí được chỉ mục trong Scopus hay ISI, vốn được thống trị bởi các tạp chí bằng tiếng Anh. Công bố quốc tế cũng là tiêu chí rất quan trọng để xét duyệt học hàm giáo sư, phó giáo sư và các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ hay cấp đơn vị.
Không chỉ mang lại ít lợi ích về học thuật, xuất bản bằng tiếng Việt còn không mang lại nhiều động lực về kinh tế cho các nhà nghiên cứu khi “một số trường có thể có những khoản tiền thưởng khá lớn cho những xuất bản quốc tế, nhưng với xuất bản tiếng Việt thì chưa có”, TS. Phạm Thị Hà cho hay.
GS.TS Trần Trí Dõi, nguyên giảng viên Khoa Ngôn ngữ học, trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, thì thẳng thắn thừa nhận “một sự thật là rất nhiều tạp chí bằng tiếng Việt chất lượng kém”, nguyên nhân có phần do quá trình phản biện và biên tập còn dễ dãi và vẫn còn tình trạng nể nang nhau, không dám từ chối những bản thảo chưa đạt yêu cầu. Hệ quả, theo TS. Phạm Thị Hà, là “ít người quan tâm đến việc viết bài nghiên cứu bằng tiếng Việt nói chung cũng như những bài thực sự có chất lượng. Những bài nghiên cứu thực sự có chất lượng thì mọi người ưu tiên xuất bản quốc tế”.
Nâng cao vị thế tiếng Việt trong xuất bản khoa học
Để nâng cao chất lượng các nghiên cứu bằng tiếng Việt cũng như vị thế của tiếng Việt trong xuất bản khoa học, trước hết cần thay đổi về tư duy: không phải cứ nghiên cứu bằng tiếng Việt là chất lượng thấp, và cũng không phải cứ nghiên cứu hay tạp chí quốc tế là chất lượng cao. Angel Calderon, Giám đốc nghiên cứu chiến lược tại ĐH RMIT, Úc, cũng từng chia sẻ trên University World News rằng “không có lý do gì để chấp nhận rằng các bài báo trên tạp chí đa ngôn ngữ kém cỏi hơn so với các ấn phẩm tiếng Anh” [3].
Nhưng thực tế, “đúng là có chuyện đăng tạp chí nước ngoài dù chất lượng không tốt nhưng được nhiều điểm hơn khi bình bầu [học hàm giáo sư, phó giáo sư]”, GS.TS Trần Trí Dõi nói. Trong khi đó, rất nhiều tạp chí quốc tế đã được xác định là những tạp chí “săn mồ” với quá trình biên tập rất sơ sài, chỉ tập trung vào các hoạt động thu phí. Hay một số nhà khoa học đã vi phạm liêm chính khoa học khi cùng một nội dung nghiên cứu nhưng dịch ra nhiều thứ tiếng để đăng ở các tạp chí tiếng nước ngoài khác nhau, nên có những trường hợp có đến cả trăm công bố quốc tế chỉ trong một năm, ông nêu thực trạng.
Bên cạnh xóa bỏ tư duy đề cao quá mức xuất bản quốc tế, các nhà khoa học cũng không nên cảm thấy mặc cảm khi sử dụng tiếng Việt trong nghiên cứu khoa học. GS.TS Trần Trí Dõi nhớ lại năm 2015, khi trình bày vấn đề về lịch sử tiếng Việt ở ĐH Vienna, Áo, sau khi trình bày bằng tiếng Pháp, ông đã xin phép hội nghị chuyển sang trình bày bằng tiếng Việt để truyền tải trọn vẹn nội dung bài nói. “Họ vỗ tay hoan nghênh ngay”, ông kể. “Tức là giới học thuật không mặc cảm chuyện đấy là tiếng Anh, tiếng Việt hay tiếng Pháp. Không phải hội nghị nào cũng cứ phải nói tiếng Anh”.
Sau bước thay đổi tư duy là nâng cao chất lượng của các nghiên cứu và tạp chí khoa học bằng tiếng Việt. TS. Phạm Thị Hà đề xuất cần xây dựng hệ thống thuật ngữ khoa học tiếng Việt chuẩn để tránh sự thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, thậm chí có thể dẫn đến nhầm lẫn trong nghiên cứu.
TS. Trần Thị Minh chia sẻ nhóm nghiên cứu của chị đang đề xuất thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học nhằm xây dựng kho ngữ liệu tiếng Việt học thuật và tài liệu hướng dẫn sử dụng tiếng Việt học thuật. “Có thể những nhà khoa học ở tầm cao, cách sử dụng ngôn ngữ đã rất sắc sảo thì không cần có hướng dẫn, nhưng ai cũng phải đi những bước đầu tiên. Nếu những bước đầu tiên không được hướng dẫn một cách bài bản, những bước sau sẽ rất khó để có thể tự vươn lên”, chị nói về dự định tâm huyết của mình.
Các nhà khoa học tham dự chương trình cũng cho rằng cần khuyến khích, hỗ trợ các công bố và tạp chí song ngữ, đồng thời thúc đẩy dịch thuật tài liệu khoa học từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại. Những người tham gia khảo sát nhanh của TS. Phạm Thị Hà cũng bày tỏ mong muốn có thêm những hỗ trợ tài chính như các khoản tài trợ, ưu đãi phí xuất bản để các nhà nghiên cứu có thêm động lực công bố các kết quả khoa học của mình bằng tiếng Việt và song ngữ.
------
[1] GS. Phan Lê Hà đã cùng với GS. Liam C. Kelley đồng sáng lập Global Vietnam, một trong những tạp chí quốc tế hiếm hoi chấp nhận đăng bài bằng tiếng Việt. Đây cũng sẽ là tạp chí truy cập mở hoàn toàn, với số tạp chí đầu tiên được dự kiến xuất bản vào tháng 3/2025.
[2], [3] Xuất bản học thuật: Khoảng trống tạp chí đa ngôn ngữ, báo Khoa học & Phát triển số 1317 (số 45/2024).
Bài đăng KH&PT số 1336 (số 12/2025)