Điểm độc đáo của "Văn hóa giảng đường: Một cẩm nang học tập tại đại học" (Academic Culture – A Student’s Guide to Studying at University) tập trung ở tính toàn diện, khoa học và thực dụng. Trong nhiều năm, cuốn sách đều lọt vào “high command loan”, tức danh mục sách chỉ được mượn ngắn ngày trên thư viện của trường Đại học Monash, Úc.

Ấn bản lần thứ 4 (năm 2020) của Nhà xuất bản Red Globe vừa được Nhà xuất bản Dân trí và nhãn hiệu sách IPER phát hành bằng tiếng Việt năm 2022. Ảnh: TAĐ
Ấn bản lần thứ 4 (năm 2020) của Nhà xuất bản Red Globe vừa được Nhà xuất bản Dân trí và nhãn hiệu sách IPER phát hành bằng tiếng Việt năm 2022. Ảnh: TAĐ

Cuốn sách gồm 5 phần với 25 chương, đề cập chi tiết hầu như mọi khía cạnh khác nhau trong quá trình học tập, nghiên cứu tại đại học của sinh viên.

Các tác giả bắt đầu cuốn sách với một dẫn nhập về việc học tập tại đại học, trang bị những hiểu biết cơ bản xoay quanh giao tiếp học thuật, vai trò của đội ngũ giảng viên, cấu trúc của khóa học và tổ chức học tập độc lập.

Trong Phần II, để chỉ dẫn cho người học phương thức tham gia sâu hơn vào “đời sống giảng đường”, nhóm tác giả đã diễn giải kỹ lưỡng cách triển khai các hoạt động như nghe - đọc học thuật, thảo luận và làm việc nhóm, seminar cũng như các buổi workshop có chủ đích. Qua đây, sinh viên hiểu được sự khác biệt giữa phát biểu bằng lời và thể hiện quan điểm trong bài luận, tóm lược và khai triển ý tưởng, tại sao lại cần đọc hiệu quả và đọc có phê phán… Từ đó, họ dễ dàng thực hành tổ chức các buổi học nhóm, thực hành theo nhóm có dẫn dắt từ giảng viên và biến bản thân thành một thành viên “hiệu quả” trong nhóm.

Toàn bộ nội dung của Phần III hướng vào những vấn đề liên quan tới năng lực phê phán/phản biện. Thông qua việc xác định thế nào là quan điểm, lập trường, định kiến, các tác giả giúp độc giả cuốn sách đi sâu vào thế giới phức tạp của tư duy phản biện, hình thành và rèn luyện hệ thống kỹ năng tra cứu và lọc thông tin khoa học, củng cố luận điểm, cách lập luận.

Trong phần tiếp theo, nội dung thảo luận hướng vào phương cách biểu đạt trong học thuật, cụ thể là “giọng” của cá nhân nên được sử dụng ra sao tương ứng với nhiều tình huống và làm sao để tránh được tình trạng đạo văn vốn rất phổ biến ở người học.

Phần cuối cùng của cuốn sách dành để diễn giải năng lực viết học thuật (academic writing), đây cũng là phần có dung lượng lớn nhất trong sách (9 chương). Các tác giả đã nỗ lực hệ thống hóa những đặc điểm của việc viết học thuật, phân loại việc viết (viết luận văn, viết báo cáo nghiên cứu, viết bài thi, viết trang web/blog…), trên cơ sở đó định nghĩa và khái quát những tiêu chuẩn của từng thể loại viết riêng lẻ.

Yếu tố mới mẻ của Văn hóa giảng đường: Một cẩm nang học tập tại đại học thể hiện trong cách nhóm tác giả dẫn ra các ví dụ đa dạng từ nhiều lĩnh vực, chủ yếu thuộc khoa học xã hội và nhân văn. Từ một mẫu email chuẩn định gửi cho giảng viên hướng dẫn khóa luận, đoạn văn thể hiện “giọng” cá nhân, sử dụng ngôi thứ nhất trong bài luận học thuật sao cho phù hợp đến cách khai triển các đoạn mô tả, tường thuật, phân tích, cách xác định câu hỏi nghiên cứu… đều có dẫn chứng giúp độc giả tham chiếu, so sánh.

Cuốn sách chứa đựng nhiều thông tin thiết yếu cho sinh viên mới nhập học, lần đầu tiên được tham gia môi trường học thuật tại trường đại học. Nó chỉ ra những chuẩn tắc, giá trị, kì vọng hành vi và thái độ đối với cả người giảng dạy và người học cũng như cách mà văn hóa học thuật tác động tới môi trường đại học. Sinh viên sẽ hiểu lí do tại sao họ cần phát triển các kĩ năng học thuật và tri thức học thuật chứ không phải họ cần trang bị những gì. Họ cũng sẽ hiểu những thái độ cùng hệ giá trị cơ bản được chấp nhận trong khuôn khổ học thuật. Bởi vậy, cuốn sách có thể được khai thác như một tài liệu tham khảo đối với giảng viên đại học, sinh viên, nhất là các sinh viên có dự định du học hoặc tiếp tục phát triển con đường học thuật. Mặc dù không phải tất cả nội dung cuốn sách đều có thể áp dụng ngay cho trường hợp Việt Nam, nhiều ý tưởng được gợi ý từ đây có thể thúc đẩy chuyển biến của giáo dục đại học theo các chuẩn mực quốc tế.

Cần nói thêm rằng, cả ba tác giả của tựa sách đều có kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực ngôn ngữ và giao tiếp học thuật, đồng thời đang trực tiếp giảng dạy nhiều học phần liên quan tới đọc – viết hàn lâm, tương tác bằng văn bản và lời nói trong bối cảnh chuyển đổi số của giáo dục. Jean Brick từng có 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu giao tiếp học thuật, làm việc tại nhiều quốc gia đang phát triển ở khu vực Thái Bình Dương. Trong khi Maria Herke và Deanna Wong (Đại học Macquarie ở Sydney, Úc) lại tập trung vào hướng nghiên cứu sử dụng phương pháp ngữ học khối liệu (corpus linguistic methodology). Do đó, về cơ bản họ hiểu sinh viên đang thiếu những gì, cần những gì, có thế mạnh cùng hạn chế ra sao và đặc biệt, làm thế nào để hỗ trợ các em.