Bức tượng phụ nữ được phát hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể phản ánh vai trò của nữ giới trong đời sống chính trị, tôn giáo cổ đại.
Tàn tích của bức tượng phụ nữ được phát hiện ở tổ hợp cổng thành. Ảnh: Dự án Khảo cổ Tayinat.
Các nhà khảo cổ học tại Đại học Toronto, Canada phát hiện tàn tích của bức tượng 3.000 năm tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm thay đổi cách nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong xã hội cổ đại,
Fox News ngày 14/8 đưa tin.
Phần trên của tàn tích làm từ đá bazan dài hơn một mét rộng hơn 0,5 mét, có các lọn tóc quăn bên dưới tấm khăn trùm đầu phủ xuống vai và lưng. Bức tượng nguyên gốc cao 4-5 m, được đặt ở tổ hợp cổng ngoài thành Kunulua, thủ đô của Vương quốc Patina tồn tại từ năm 1000 đến 738 trước Công nguyên. Địa điểm này cách phía tây Aleppo, Syria khoảng 7 km.
Tàn tích của bức tượng được phát hiện trên các mảnh đá bazan có thể là chân dung của Kubaba, mẹ của các vị thần của Tiểu Á (Anatolia) cổ đại, theo các nhà khảo cổ học.
Tuy nhiên, cũng có khả năng bức tượng được tạc theo hình mẫu vợ của vua Suppiluliuma hoặc một phụ nữ tên Kupapiyas, là vợ hoặc mẹ của Taita, người sáng lập vương triều cổ đại của Tayinat, trước đây được biết đến dưới tên Kunulua.
"Bức tượng chỉ ra khả năng nữ giới đã đóng một vai trò nổi bật hơn trong đời sống chính trị và tôn giáo trong các cộng đồng ở giai đoạn đầu thời Đồ sắt so với những ghi nhận trong dữ liệu lịch sử còn tồn tại", Timothy Harrison, giáo sư ngành Các nền Văn minh Trung và Cận Đông, giám đốc của Dự án Khảo cổ Tayitnat cho biết.
Tổ hợp cổng nơi bức tượng được phát hiện được cho đã bị phá hủy trong cuộc chinh phạt của người Assyria vào năm 738 trước Công nguyên. Từ thời điểm này, Tayinat biến thành thủ phủ một tỉnh của Assyria với thống đốc và chính quyền riêng.
Theo VNExpress