Thuốc lá là loại sản phẩm không chỉ gây hại cho sức khỏe người sử dụng mà còn gây ô nhiễm môi trường và dẫn đến gánh nặng lớn cho nền kinh tế khi số tiền phải chi trả cho khám, chữa bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến khói thuốc lớn gấp 5 lần lợi ích kinh tế mà ngành này mang lại.

Dù vậy, thuế thuốc lá tại Việt Nam lại thuộc nhóm thấp nhất khu vực Đông Nam Á và mức giá một bao thuốc tại Việt Nam chỉ đứng thứ 15 trong 19 nước thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương.

Thuế thuốc lá ở Việt Nam rất thấp so với các nước ASEAN và trung bình toàn cầu.

Thuốc lá là một sản phẩm, dù có thể tiêu dùng hợp pháp, nhưng lại đem đến nhiều nguy cơ tiềm tàng. Một điếu thuốc lá có chứa tới 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân của 25 bệnh ung thư, cùng các bệnh hô hấp, tim mạch khác. Không chỉ vậy, theo WHO, tiêu dùng thuốc lá cũng góp phần lớn vào ô nhiễm môi trường với hàng triệu kg đầu mẩu thuốc lá, hàng nghìn tấn fomandehit, nicotine, cùng 18 tỷ cây xanh trên thế giới bị đốn mỗi năm để làm củi sấy thuốc lá.

Riêng tại Việt Nam, theo số liệu vào năm 2021 của WHO, sử dụng thuốc lá gây ra hơn 85 nghìn ca tử vong, hít phải khói thuốc thụ động gây ra gần 19 nghìn ca tử vong. Hầu hết những người tử vong đều thuộc độ tuổi lao động, và vì vậy, đã làm suy giảm chất lượng lao động lẫn chất lượng cuộc sống nói chung. “Đây là một mất mát rất đáng quan ngại”- Ths.BS. Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá thuộc Bộ Y tế, nhận xét tại buổi Hội thảo chia sẻ thông tin về phòng, chống tác hại của thuốc lá tổ chức vào ngày 8/5 vừa rồi.

Với những tác động tiêu cực đó, khi lưu thông trên thị trường, sản phẩm thuốc lá còn chịu thêm mức thuế gọi là thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Trong 20 năm qua, thuế TTĐB cho thuốc lá đã được điều chỉnh ba lần vào các mốc thời gian năm 2008, 2016 và 2019, các mức tăng lần lượt là từ 55% lên 65%, 70% và 75%. Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác trên thế giới cho thấy, thuế đang là công cụ hữu hiệu nhất để giảm thiểu tiêu dùng thuốc lá, “vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nếu không đánh vào túi tiền thì người tiêu dùng rất khó từ bỏ sản phẩm này”- Ths.BS. Phan Thị Hải cho biết. Chính vì vậy mà dự thảo tăng thuế TTĐB đối với một số mặt hàng, trong đó có thuốc lá mà Quốc hội đang xem xét hiện nay nhận được rất nhiều sự quan tâm của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, các đơn vị truyền thông và các bên liên quan đang nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực của thuốc lá khác.


Tăng thuế TTĐB cho thuốc lá không chỉ không ảnh hưởng đến sản xuất hay nền kinh tế, mà còn làm giảm tiêu thụ thuốc lá và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Vì vậy mà không có lý do gì để trì hoãn các biện pháp thuế mạnh tay hơn với mặt hàng này.


Thuế TTĐB tại Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với khu vực

Bài học thực tiễn tại Thái Lan đã chỉ ra rằng thuế là công cụ chiếm tới hơn 60% tác động trong giảm thiểu tiêu thụ thuốc lá, trong khi các công cụ khác như tuyên truyền, xây dựng môi trường không khói thuốc, cảnh báo sức khỏe..., dù công cuộc thực hiện tốn kém nhiều chi phí và thời gian, lại chỉ chiếm 4-22% tác động. Từ năm 1993 đến năm 2017, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện mười một lần tăng thuế, trung bình hai năm tăng một lần, từ mức thuế 55% lên 90% trên giá bán lẻ, mức thuế hiện nay đã cao hơn mức khuyến cáo 75% trên giá bán lẻ của WHO. Không chỉ vậy, từ năm 2018, Thái Lan đã bắt đầu áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp, bên cạnh thuế tương đối tính theo tỷ lệ trên giá bán lẻ, thuốc lá còn phải chịu thêm mức thuế tuyệt đối - mức thuế cố định, không phụ thuộc vào giá bán lẻ của từng loại thuốc - là 1,2 THB/ điếu (khoảng 900 VNĐ).

Philippines cũng là quốc gia có mức thuế “mạnh tay” với thuốc lá khi áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối với mức thuế tăng đều mỗi năm, kể từ năm 2013. Năm 2017, mức thuế đạt 30 peso/ bao (khoảng 14.000 VNĐ), năm 2023 mức thuế đạt 60 peso/bao và tiếp tục tăng 5% mỗi năm vào những năm tiếp theo.

Nhờ biện pháp này mà tỷ lệ người hút thuốc tại Thái Lan đã giảm từ 34% vào năm 1991 xuống còn 17,4% vào năm 2021. Đồng thời, thu ngân sách trong khoảng thời gian tương đương cũng tăng gấp bốn lần, từ 500 triệu USD lên 2,1 tỷ USD. Philippines cũng giảm thiểu được 30% tỷ lệ người hút và thu ngân sách tăng 400%.

Trong khi đó, tại Việt Nam, mức thuế 75% “nhìn có vẻ cao nhưng lại được tính trên giá xuất xưởng thay vì giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO. Nếu tính theo giá bán lẻ, mức thuế này chỉ đạt 36%, tức là một nửa khuyến cáo”- Ths.BS Phan Thị Hải phân tích. Cũng theo chia sẻ từ bà Phan Thị Hải, tổng chi phí liên quan đến khám sức khỏe và tử vong do thuốc lá gây ra mỗi năm là 108.000 tỷ đồng, tương đương với 1,14% GDP của Việt Nam vào năm 2022. “Tổn thất kinh tế đang lớn hơn gấp 5 lần so với lợi ích kinh tế mà ngành thuốc lá có thể đem lại”.

Ths.BS Phan Thị Hải cũng bổ sung thêm: “Khoảng cách giữa các đợt tăng thuế cũng khá lớn, trong khi lạm phát trung bình là 4%/ năm và mức tăng thu nhập là 5%/ năm, điều này khiến cho mức tăng thuế không ảnh hưởng gì đến khả năng chi trả của người tiêu dùng cho mặt hàng này, và vì vậy, làm giảm hiệu quả của công cụ thuế.” Cũng theo thông tin Ths.BS Phan Thị Hải cung cấp, hiện nay có hơn 40 nhãn hiệu thuốc lá trên thị trường, sau khi đã chịu mức thuế TTĐB, giá bán lẻ dưới vẫn chỉ dưới 10.000 đồng/ bao và nhiều cửa hàng bán lẻ từng điếu thuốc một thay vì bán cả bao, khiến cho việc sở hữu thuốc lá trở nên dễ dàng hơn, không chỉ người thu nhập thấp, mà cả trẻ em cũng có thể tiếp cận thuốc lá.

Dự thảo luật được đề xuất mới đây đã đưa ra hai phương án tăng thuế đối với mặt hàng thuốc lá theo hệ thống hỗn hợp. Theo đó, bên cạnh mức thuế tương đối là 75% trên giá bán lẻ, phương án 1 đề xuất thu thêm thuế tuyệt đối 2000 đồng/bao vào năm 2026, tăng dần mỗi năm để đạt 10.000 đồng/ bao vào 2030. Phương án 2 đề xuất thu thêm thuế tuyệt đối 5000 đồng/bao vào 2026 và tăng dần lên 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ths.BS Phan Thị Hải: “Mức thuế cần tăng tương xứng với mức tăng thu nhập và lạm phát. Mức thuế từ hai phương án dự thảo trên vẫn còn khoảng cách so với mức mong muốn của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá để đạt được hiệu quả giảm thiểu sử dụng thuốc lá”

Để có thể hướng tới mục tiêu tỷ lệ dưới 36% nam giới hút thuốc và dưới 1% nữ giới hút thuốc tại Việt Nam, Ths.BS Phan Thị Hải cho biết, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đề xuất nên kết hợp cả thuế tuyệt tối lẫn thuế tương đối với mặt hàng thuốc lá và tăng thuế với lộ trình đều đặn. Thuế tương đối sẽ là 75% trên giá bán lẻ, và thuế tuyệt đối nên tăng đều mỗi năm từ 2026 đến 2030 với các mức là 5.000 đồng, 7.500 đồng, 10.000 đồng, 12.500 đồng và 15.000 đồng trên mỗi bao. Nếu so sánh, mức thuế do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá đề xuất cao hơn nhiều so với dự thảo nhưng vẫn còn thấp hơn so với mức thuế hiện tại của Thái Lan hay Philippines.

Tăng thuế có làm ảnh hưởng đến nền kinh tế?

Trước mỗi dự thảo tăng thuế, nhiều doanh nghiệp thuốc lá thường đưa ra lập luận rằng tăng thuế sẽ khiến cho tiêu dùng thuốc lá lậu tăng lên, làm ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước và nền kinh tế. Tuy nhiên, một nghiên cứu do nhóm của TS. Nguyễn Ngọc Anh tại Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Chính sách (DEPOCEN) thực hiện đã chứng minh rằng những kỳ tăng thuế trong quá khứ không làm tăng tiêu dùng thuốc lá lậu.

Thuốc lá lậu tại Việt Nam là thuốc lá được sản xuất hợp pháp từ quốc gia khác, sau đó nhập khẩu “lậu” vào trong nước, khác với tại một số quốc gia, thuốc lá lậu được hiểu là thuốc lá sản xuất tại các cơ sở sản xuất “chui”, không có giấy phép… Nghiên cứu đã thực hiện khảo sát hàng trăm nhà bán lẻ trên thị trường tại cả ba vùng Bắc, Trung, Nam với 65 trên tổng số 73 nhãn thuốc lá đã từng tồn tại trên thị trường. Kết quả cho thấy, sau những lần tăng thuế, từ năm 2010 đến năm 2017, tỷ lệ tiêu dùng thuốc lá lậu không chỉ không tăng mà còn giảm từ 20% xuống gần 14%. Nguyên nhân được chỉ ra là do giá của thuốc lá lậu cao hơn đáng kể so với thuốc lá hợp pháp, được tiêu dùng chủ yếu bởi bộ phận người tiêu dùng có thu nhập cao và “thích tiêu dùng hàng ngoại”. Bên cạnh đó, khi mức thuế tăng lên, dù không phải chịu thuế, mặt hàng thuốc lá lậu cũng tăng giá. Đặc biệt, trước khi thuế được thực thi, các cửa hàng bán lẻ cũng đã có động thái tăng giá, trung bình khoảng 1.900 đồng trên mỗi bao thuốc bán ra.

Ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá cũng không hề bị ảnh hưởng khi các số liệu chỉ ra tổng lượng sản xuất nhìn chung cũng tăng dần. Năm 2008, con số này là 4,3 triệu bao và đến năm 2018 là 7,5 triệu bao. Mức tăng này đạt được là nhờ lượng tiêu dùng trong nước không đổi, cộng với sản lượng xuất khẩu tăng lên.

Từ những dẫn chứng trên có thể thấy rằng, tăng thuế TTĐB cho thuốc lá không chỉ không ảnh hưởng đến sản xuất hay nền kinh tế, mà còn đồng thời làm giảm tiêu thụ và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. “Là một biện pháp cùng thắng”, vì vậy mà không có lý do gì để trì hoãn các biện pháp thuế mạnh tay hơn với mặt hàng này thêm nữa.

Bài đăng KH&PT số 1344 (số 20/2025)