Theo số liệu mới của Cơ quan Giám sát Biến đổi Khí hậu Copernicus thuộc Liên minh châu Âu (EU), nhiệt độ tháng 5/2020 cao hơn 0,63°C so với mức trung bình toàn cầu trong giai đoạn từ năm 1981 đến năm 2010.

Nhiệt độ bề mặt Trái đất vào tháng 5/2020 so với mức trung bình giai đoạn 1981 – 2010. Ảnh: ECMWWF.
Nhiệt độ bề mặt Trái đất vào tháng 5/2020 so với mức trung bình giai đoạn 1981 – 2010. Ảnh: ECMWWF.

Mức gia tăng nhiệt cao nhất nằm ở Alaska, châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi và Nam Cực. Đặc biệt, nhiệt độ tại khu vực Siberia (Nga) cao hơn mức trung bình tới 10°C.

Trên phạm vi toàn cầu, nhiệt độ trung bình trong 12 tháng – từ tháng 6/2019 đến tháng 5/2020 – cao hơn gần 1,3°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

“Một loạt mức nhiệt độ phá kỷ lục gần đây là hồi chuông đáng báo động về xu hướng ấm lên dài hạn có thể quan sát ở cấp độ toàn cầu. Với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính liên tục gia tăng, các mốc nhiệt sẽ còn tiếp tục bị phá vỡ trong tương lai”, Jean-Noel Thepaut, Giám đốc Cơ quan Giám sát Biến đổi Khí hậu Copernicus, cho biết.

Trước đó vào tháng 5/2019, Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii ghi nhận nồng độ CO2 trong khí quyển vượt qua ngưỡng 415 phần triệu (ppm), mức cao nhất trong lịch sử kể từ khi con người xuất hiện trên Trái đất.