Hầu hết các tiêu chuẩn (TCVN) và quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) của Việt Nam được ban hành dựa trên việc tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế và của nước ngoài. Song, điều này cũng làm nảy sinh không ít bất cập khi áp dụng trong thực tế.

Chưa sát với thực tiễn

Việt Nam hiện có hơn 800 QCVN (áp dụng bắt buộc) và gần 14.000 TCVN (tự nguyện áp dụng), trong đó tỷ lệ hài hòa của TCVN với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực đến nay đã đạt gần 60%. Việc ban hành các TCVN và QCVN này giúp tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất và lưu thông các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cũng như giúp bảo vệ sức khỏe con người, tài sản và môi trường.

Song trên thực tế, các tiêu chuẩn và quy chuẩn - hầu hết được xây dựng dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế và nước ngoài - đôi khi lại gây tác dụng ngược. Chẳng hạn, trong lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Thanh Nghị- nguyên Bộ trưởng Bộ Xây dựng từng chia sẻ, quan điểm, phương thức, cách thức xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá trong xây dựng của nước ta từ trước đến nay về cơ bản là dựa trên quan điểm, cách tính toán của Liên Xô và Đông Âu, do đó dẫn đến không cập nhật được công nghệ, kỹ thuật mới hiện đại.

Trong khi đó, nếu áp dụng một tiêu chuẩn, quy chuẩn sẵn có của các nước tiên tiến vào nước ta thì lại mất nhiều thời gian và thủ tục, gây ảnh hưởng tới hội nhập kinh tế quốc tế. Vấn đề này cũng đã từng được một chuyên gia tham gia xây dựng TCVN về kỹ thuật khai thác mỏ lộ thiên chỉ ra: “Các TCVN do nhiều bộ, ngành khác nhau tự soạn, thế nên nếu các tiêu chuẩn này lạc hậu và không đồng bộ thì sẽ rất khó để đào tạo được các kỹ sư. Và vì tiêu chuẩn kỹ thuật là ‘ngôn ngữ’ của kỹ sư nên nếu không thạo các ngôn ngữ này thì việc khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hay hội nhập thời 4.0 sẽ khó khả thi”.

Thiết bị vô tuyến di động mặt đất và trung kế vô tuyến mặt đất nhập khẩu và sản xuất trong nước phải đáp ứng các quy định tại QCVN 100:2024/BTTTT trước khi lưu thông trên thị trường. Ảnh minh họa: skhcn.daklak.gov.vn
Thiết bị vô tuyến di động mặt đất và trung kế vô tuyến mặt đất nhập khẩu và sản xuất trong nước phải đáp ứng các quy định tại QCVN 100:2024/BTTTT trước khi lưu thông trên thị trường. Ảnh minh họa: skhcn.daklak.gov.vn

Những vấn đề liên quan đến việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn mới đây cũng đã được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm rõ hơn trong Báo cáo “Đánh giá chất lượng và khuyến nghị cho việc xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam”. Theo phản ánh của VCCI, có doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng vấn đề lớn nhất khi tham khảo tiêu chuẩn nước ngoài là các nước trên thế giới không có khái niệm tương ứng với khái niệm quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, mà chỉ có các tiêu chuẩn do các cơ quan, viện nghiên cứu, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức khác công bố.

“Việc áp dụng các tiêu chuẩn này theo hướng bắt buộc hay không bắt buộc phụ thuộc vào từng quy định pháp luật cụ thể của quốc gia đó. Bởi vậy, trong trường hợp cơ quan nhà nước tham khảo tiêu chuẩn nước ngoài và quốc tế để ban hành quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam thì sẽ có nguy cơ chỉ tham khảo về nội dung mà không tham khảo về phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn đó theo pháp luật nước ngoài” - một vấn đề sẽ gây ra nhiều bất cập khi áp dụng trong thực tế, nhóm thực hiện báo cáo chỉ ra.

Chẳng hạn, QCVN 101:2020/BTTTT Pin lithium cho thiết bị cầm tay quy định tại Mục 2.4, 2.5 về đặc tính điện của pin lithium được sao chép từ tiêu chuẩn quốc tế IEC 61960-3:2017. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn IEC là tập hợp đặc tính điện của pin lithium nhằm đánh giá hiệu năng, chứ không phải mang yếu tố an toàn, nghĩa là không bắt buộc phải áp dụng (trong khi đây là yêu cầu bắt buộc trong quy chuẩn của Việt Nam).

Việc sao chép máy móc tiêu chuẩn nước ngoài mà không loại bỏ hoặc điều chỉnh các nội dung không phù hợp với điều kiện của Việt Nam cũng xảy ra trong thực tế. Một ví dụ là các QCVN về thiết bị công nghệ thông tin được Bộ Thông tin và Truyền thông phát triển dựa trên nền tảng các tiêu chuẩn ETSI EN của EU nhằm đảm bảo an toàn cho con người - điều đặc biệt quan trọng đối với các thiết bị thông tin liên lạc, GPS hoặc các thiết bị phục vụ tìm kiếm, cứu nạn hoặc an ninh quốc gia. Phần lớn QCVN của các thiết bị chuyên dụng hàng hải, thiết bị vô tuyến điện cự ly ngắn, thiết bị điện thoại vô tuyến MF và HF này tham khảo các ngưỡng nhiệt độ đo kiểm trong điều kiện cực đoan từ quy định châu Âu.

“Các thông số đo kiểm tới hạn trong các tiêu chuẩn quốc tế này, tuy phù hợp với các nước có vùng lãnh thổ trải dài và biên nhiệt độ chênh lệch lớn, lại trở nên không phù hợp với môi trường khí hậu của Việt Nam”, nhóm thực hiện báo cáo của VCCI chỉ ra. “Trong khi Mỹ có biên nhiệt độ phổ biến ở dải -30oC tới 40oC hoặc châu Âu có biên nhiệt độ ở nhiều nơi với mức -20oC tới 40oC, Việt Nam có điều kiện khí hậu ôn hòa với dải nhiệt độ môi trường tương đối ổn định và trung bình chỉ ở mức 10oC tới 40oC. Vì vậy, các điều kiện đo kiểm tới hạn thấp ở mức -20oC, thậm chí xuống -40oC và tới hạn cao ở +55oC là không cần thiết trong bối cảnh khí hậu Việt Nam”.

Một vấn đề khác là việc không hiểu rõ nội dung của tiêu chuẩn nước ngoài. Do không trực tiếp thực hiện việc nghiên cứu nên có một tình trạng phổ biến là cơ quan soạn thảo không hiểu rõ nội dung của các tiêu chuẩn và quy chuẩn nước ngoài, dẫn đến quá trình Việt hoá không đầy đủ, chính xác, từ đó nảy sinh vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng, chẳng hạn như trường hợp nhầm lẫn khi soạn thảo QCVN về mức hấp thụ riêng đối với thiết bị vô tuyến. Phiên bản Dự thảo QCVN 134:2024/BTTTT "Mức hấp thụ riêng đối với thiết bị vô tuyến cầm tay và đeo trên cơ thể người" tháng 4 năm 2024 đưa ra chỉ tiêu mức hấp thụ riêng toàn cơ thể, tức là phải đánh giá mức hấp thụ bức xạ điện từ của các thiết bị vô tuyến cầm tay trên toàn bộ cơ thể người sử dụng.

“Trong khi đó, thông lệ quốc tế chỉ đánh giá đối với ba bộ phận trên cơ thể là đầu, thân (ở hông) và các chi (ở tay) vì đây là những bộ phận thường xuyên tiếp xúc với thiết bị vô tuyến cầm tay”, nhóm thực hiện báo cáo chỉ ra. Sau khi rà soát, cơ quan soạn thảo đã nhận thấy sai sót nằm ở việc tham vấn quy chuẩn nước ngoài chưa chính xác: việc thử nghiệm trên toàn bộ cơ thể người chỉ áp dụng với các thiết bị như trạm phát sóng công cộng, chứ không áp dụng cho các thiết bị cầm tay. Bất cập này đã được phát hiện thông qua quá trình tham vấn chuyên gia và doanh nghiệp, nhờ đó, bản QCVN chính thức khi được ban hành đã khắc phục được vấn đề này.

Làm sao để hiệu quả hơn?

Những bất cập khi tham khảo tiêu chuẩn quốc tế và nước ngoài không chỉ nằm ở nội dung của tiêu chuẩn mà còn ở việc áp dụng như thế nào khi tiêu chuẩn quốc tế đó thay đổi. Theo VCCI, nhiều trường hợp, các tiêu chuẩn và quy chuẩn của Việt Nam chỉ là bản dịch của tiêu chuẩn nước ngoài, mà không có bất kỳ một sự thay đổi nào về nội dung. Tuy nhiên, đến khi tiêu chuẩn nước ngoài đó được điều chỉnh, thì tiêu chuẩn và quy chuẩn của Việt Nam không được tự động điều chỉnh theo mà vẫn phải đợi các cơ quan nhà nước ban hành tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn mới. “Khi các cơ quan nhà nước chưa kịp làm việc này, sự khác biệt giữa các phiên bản tiêu chuẩn và quy chuẩn có thể gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa”, VCCI chỉ ra vấn đề.

Một ví dụ là trường hợp chậm điều chỉnh quy chuẩn về sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ từ sáu tháng đến ba tuổi (QCVN 11-3:2012/BYT). Sản phẩm này dẫn chiếu trực tiếp chỉ tiêu từ Tiêu chuẩn CODEX CAC/GL 10-1979: Nguyên tắc thanh tra và chứng nhận thực phẩm xuất nhập khẩu, trong đó có quy định ngưỡng tối thiểu cho chỉ tiêu chất Nicotinamide. Tới năm 2024, Ủy ban CODEX đã sửa đổi tiêu chuẩn theo hướng không bắt buộc áp dụng chỉ tiêu chất Nicotinamide, nhưng QCVN lai chưa được sửa đổi để tương thích. “Hệ quả là quy chuẩn này vô tình tạo ra những rào cản thương mại cho hàng hóa nhập khẩu Việt Nam - đạt tiêu chuẩn mới của CODEX nhưng không đạt QCVN; và ngược lại với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tới các nước thành viên của CODEX”, VCCI cho biết. Ông Nguyễn Hồng Uy - Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu - từng chỉ ra vấn đề này tại một hội thảo vào năm 2024. “Bộ Y tế đã bỏ phiếu nhất trí với sửa đổi của Ủy ban CODEX ban hành tháng 2/2024. Song, khi các doanh nghiệp đề nghị cho áp dụng thì Bộ Y tế cho biết cũng rất muốn cho áp dụng, nhưng phải sửa đổi QCVN 10-3/2010 và thủ tục phải mất khoảng hai năm”, ông Hồng Uy cho hay. Với quy trình thủ tục này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải “chậm bước” vài năm so với quốc tế.

Trước thực tế này, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tham khảo tiêu chuẩn của nước ngoài có thể giúp đẩy nhanh việc xây dựng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, nhưng cũng cần được tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng. “Ngoài việc tham khảo nội dung của tiêu chuẩn nước ngoài cũng cần xem xét cả phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn đó, tránh việc áp dụng không đúng đối tượng, đặc biệt là khi ban hành QCVN”, nhóm thực hiện báo cáo của VCCI khuyến nghị. Việc dịch thuật phải được tiến hành kỹ lưỡng để tránh sai khác khi chuyển đổi ngôn ngữ. Trong trường hợp tiêu chuẩn của nước ngoài sử dụng các thuật ngữ được dẫn chiếu thì cần được tìm hiểu rõ và chú giải cẩn thận. “Khi tiêu chuẩn nước ngoài có sự điều chỉnh thì cần nhanh chóng nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp. Trường hợp chưa thể điều chỉnh tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn của Việt Nam thì cần cân nhắc cho phép doanh nghiệp áp dụng trực tiếp tiêu chuẩn nước ngoài để bảo đảm thuận lợi trong lưu thông hàng hoá”, nhóm thực hiện báo cáo đề xuất.

Bài đăng KH&PT số 1344 (số 20/2025)