Những thay đổi như tiết giảm thủ tục hành chính, tài chính và tăng khung thời gian thực hiện Chương trình lên 10 năm, thậm chí là chấp nhận rủi ro được kỳ vọng sẽ đánh dấu bước ngoặt thay đổi quan điểm về đầu tư cho KH&CN.

Những điểm mới

Để các Chương trình KHCN Quốc gia (Chương trình) thực sự góp phần phát triển tiềm lực KHCN trong trung hạn và dài hạn, có nhiều đóng góp ý nghĩa vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới, Bộ KH&CN đã tiến hành cơ cấu lại các chương trình KHCN quốc gia giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 với nhiều điểm mới: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh; chú trọng thu hút nguồn lực xã hội, đặc biệt là từ Quỹ phát triển KHCN của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra; Các chương trình KHCN quốc gia bảo đảm không trùng lặp về nội dung nghiên cứu và phân bổ nguồn lực, có sự kết nối, liên thông; có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, trong phạm vi cả nước, giải quyết các vấn đề KH&CN liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng.

Lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, thuộc Chương trình Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Trong đó, việc đưa thời gian thực hiện nhiệm vụ từ 5 năm lên 10 năm và chấp nhận rủi ro là thay đổi quan trọng về mặt quan điểm đầu tư cho khoa học. Việc tăng thời hạn (có đánh giá giữa kỳ) giúp các nhà khoa học có đủ thời gian để theo đuổi những đề tài có định hướng ứng dụng tới lúc trở thành một sản phẩm công nghệ có thể đăng ký sáng chế, chuyển giao cần tới cả thập kỷ. Còn thời hạn ngắn “chưa kịp chạy đà đã phải về đích” chỉ đủ cho các cải tiến, ít know how.

Tuy vậy, có lẽ đó mới chỉ là những thay đổi rụt rè bước đầu bởi để tất cả những điều này thành hiện thực thì còn phải vượt qua rất nhiều rào cản, Bộ KH&CN đang nỗ lực giải quyết về khả năng chấp nhận rủi ro, từ bỏ các thủ tục hành chính như định giá tài sản phát sinh. Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cũng chia sẻ tại hội nghị Triển khai các Chương trình KHCN quốc gia về việc để đưa ra được chính sách phù hợp, đòi hỏi những thay đổi, không chỉ từ Bộ KH&CN mà còn cần cả “sự thấu hiểu của các cơ quan quản lý nhà nước, với quan điểm tôn trọng tính có rủi ro, có độ trễ của hoạt động nghiên cứu KHCN”.

Tại sao lại cần tới sự thấu hiểu đến như vậy?

Về bản chất, các Chương trình KHCN quốc gia là các chương trình đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng, làm ra các công nghệ và các giải pháp mới để tiến tới chuyển giao cho doanh nghiệp. Tuy nhiên khoa học đi tìm kiếm những kiến thức mới, giải pháp mới chưa từng có không phải là một hành trình chắc chắn dẫn đến thành công, bởi càng là “những công nghệ/sản phẩm mang tính đổi mới sáng tạo cao, giá trị gia tăng lớn càng chứa đựng yếu tố rủi ro”, như GS.TS. Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ lọc hóa dầu từng trao đổi với Khoa học và phát triển.

Bộ KH&CN đã có nhiều thông tư ban hành về tổ chức quản lý các chương trình KHCN (số 05/2015), về trình tự, thủ tục xác định nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia (số 07/2014 và 03/2017); tuyển chọn, giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ (số 08/2017); đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ (11/2014). Về chế độ chi trả cho các nhà khoa học, chuyên gia tham gia thực hiện các đề tài, cũng đã có thông tư liên tịch Bộ KH&CN và Bộ Tài chính về định mức xây dựng, phân bổ dự toán, quyết toán kinh phí và thông tư về khoán chi thực hiện nhiệm vụ KHCN (hai Thông tư 55 và 27 năm 2015). Dẫu tồn tại nhiều văn bản như vậy nhưng không làm rút ngắn thời gian phê duyệt nhiệm vụ, nhanh cũng phải mất tới 7 – 8 tháng, thậm chí có đề tài mất tới hai năm mới ký được hợp đồng thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài việc nhiều thủ tục phê duyệt để giảm tránh rủi ro, việc thanh quyết toán, xử lý các tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước càng trở nên rối rắm hơn ở chỗ vừa không chấp nhận rủi ro vừa đòi hỏi phải “bảo toàn vốn của nhà nước”. Đơn cử, Thông tư 02 hướng dẫn thực hiện Điều 41 về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ đề tài quy định trong Nghị định 70/2018 khiến các nhà khoa học thực sự lúng túng. “Tôi chưa hình dung hết được các bước trong quá trình hoàn trả giá trị tài sản là kết quả nhiệm vụ KH&CN do ngân sách nhà nước cấp được giao quyền sở hữu, nhưng tại điểm kết thúc đề tài KH&CN sẽ rất “rủi ro” khi ký cam kết hoàn trả một khoản kinh phí nào đó trong vòng ba năm sau khi kết thúc nhiệm vụ (khoảng thời gian để thương mại hóa kết quả KHCN), bởi nếu quá trình triển khai kết quả KH&CN đó thất bại thì sao? Mang gì để trả? Yếu tố rủi ro là bản chất của nghiên cứu KH&CN – điều này thì ai cũng thừa nhận”, GS. TS Vũ Thị Thu Hà nói.

Vabiotech, đơn vị nhận được tài trợ thuộc Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người.

Còn về phía các cơ quan quản lý nhà nước, thì thủ tục để thực hiện được Nghị định 70 rất phức tạp và thậm chí không khả thi trong nhiều trường hợp. “Trong đó nét lớn nhất là cần phải xác định phạm vi tài sản cần xử lý, theo Nghị định 70/2018/NĐ-CP là không phù hợp với thực tiễn”, dù đã nhắc tới vấn đề này trong Hội nghị Tổng kết các Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia vào năm ngoái, nhưng đó là vướng mắc nổi cộm nên tại Hội nghị lần này ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ KH&CN tiếp tục nhấn mạnh. Ông chỉ ra những vấn đề mà các viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp mắc phải, khi xử lý tài sản là một ao cá, một con đê, một vườn cây mô hình thì sẽ có rất nhiều bước: một là nếu theo nguyên tắc ưu tiên giao về cho viện nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ thì không thể bê con đê này về viện được, hai là cơ chế khấu hao, ba là quy trình thủ tục giao tài sản trang thiết bị (gắn với bồi hoàn là gắn với hướng bảo toàn vốn cho nhà nước), bốn là trình tự thủ tục thành lập các hội đồng thẩm định tài sản, năm xác định các hình thức tài sản cố định với nhiệm vụ không đáp ứng tiêu chí của tài sản cố định... Thực tế là không viện trường nào có triển khai được từng này thứ, chưa kể có những hạng mục như thẩm định tài sản hay sáng chế còn là khoảng trống vì hiện nay chưa có chuyên gia, tổ chức thẩm định. Chưa kể, thủ tục sẽ đẩy các doanh nghiệp ra xa mục tiêu làm “trung tâm” như Chương trình đề ra, bởi khó doanh nghiệp nào chịu được mất thời gian chi phí cơ hội vào chuỗi dài các thủ tục.

Vẫn chờ thêm những đổi mới

Việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu theo thông lệ quốc tế có nghĩa là Chương trình sẽ phải sửa đổi hàng loạt các văn bản quản lý nhiệm vụ KH&CN, tháo gỡ các vướng mắc cả về thủ tục phức tạp trong xét duyệt đề tài, thanh quyết toán cho đến xử lý tài sản hình thành từ đề tài để chuyển giao hoặc hoàn trả lại cho nhà nước (xác định phạm vi tài sản cần trang bị xử lý, cơ chế tính hao mòn/ khấu hao tài sản; thủ tục giao tài sản trang bị không bồi hoàn; định giá tài sản nhưng không có đủ chuyên gia định giá các kết quả nghiên cứu khoa học chưa chuyển giao; thủ tục thương mại hóa...) khiến cả nhà khoa học và các doanh nghiệp rất lúng túng. Thay vì sử dụng nhiều công cụ hành chính, thủ tục tài chính phức tạp thì nhiều năm nay, các nhà khoa học đề nghị sử dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng và hậu kiểm.

Vì thế, trong quý 4 năm nay, Bộ KH&CN ưu tiên tháo gỡ các khó khăn này bằng việc phối hợp với Bộ Tài chính để nghiên cứu, ban hành các Thông tư của Bộ KH&CN và Thông tư của Bộ Tài chính để sửa đổi, thay thế các thông tư cũ nói trên trong quy trình xét duyệt, chi tiêu và hoàn thiện thực hiện nhiệm vụ KH&CN; xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 70.

Tuy nhiên, hướng tháo gỡ này mới chỉ là tạm thời. “Việc xử lý các vấn đề trên trong của Nghị định 70 về bản chất không tháo gỡ được vấn đề xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ do nhà nước tài trợ.”, ông Nguyễn Nam Hải nói. Điểm vướng mắc cuối cùng lại nằm ở Luật quản lý tài sản công, mà “theo nghiên cứu của chúng tôi, ở các nước, cơ quan quản lý không coi tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN là tài sản công mà nhà nước cần quản lý, mà coi đó là đầu tư nghiên cứu nâng cao năng lực của hệ thống khoa học. Nhà nước không thu lợi trực tiếp từ việc phân chia lơi nhuận mà coi đó là nâng cao năng lực. Còn nếu đã giao cho doanh nghiệp thì về sau nhà nước thu lại tiền thuế khi họ tương mại hóa được sáng chế”.

Trong bối cảnh mà các doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần công nghệ, hoạt động đổi mới công nghệ còn yếu, thì việc đầu tư cho nghiên cứu để rồi lúng túng trong xử lý tài sản, chuyển giao sẽ là lãng phí nguồn lực quá lớn. Trên thực tế, ngay cả nước Mỹ, nếu không có sự thay đổi quan điểm về tài sản công trong nghiên cứu khoa học bằng Luật Bayh - Dole cho phép các tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền sở hữu sáng chế và chuyển giao, từ những năm 1970 – 1980 thì cũng không thể có động lực cho đổi mới sáng tạo. “Trong một sớm một chiều chúng ta chưa thể sửa ngay các luật như luật giá, luật quản lý công thì chúng ta đề xuất cho làm sandbox, cho thực hiện như luật Bayh-dole của Mỹ. Cứ khư khư giữ lấy (cho nhà nước – PV) thực ra không làm được gì cả. Nếu giao cho trường đó, thương hiệu trường đó lên, họ chuyển giao được, đóng góp cho nền kinh tế, đóng thuế, toàn bộ tiền thu được chia hợp lý giữa đơn vị chủ trì, nhà khoa học có liên quan. Như thế không phải định giá nữa, ai có hàng hóa thì tự định giá”, TS. Tạ Bá Hưng, Chủ nhiệm Chương trình Phát triển Thị trường KHCN đề nghị. “Tôi rất muốn sao để thị trường KH&CN đồng hành được với các thị trường khác”.

Thực ra, quan điểm mở không có nghĩa là thả lỏng không có sự kiểm soát. Quan trọng nhất là các chương trình đã có chỉ tiêu đầu ra (KPI) rõ ràng, công khai minh bạch bằng hệ thống công nghệ thông tin, giám sát đồng đẳng bởi các nhà chuyên môn cùng ngành hẹp, như nhấn mạnh chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị. “Để thực sự đổi mới cơ chế, Bộ KH&CN mạnh dạn tổ chức cơ chế khoán cho các nhóm nghiên cứu mạnh trong một số chương trình KHCN quốc gia, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, từng bước tháo gỡ cơ chế quản lý tài chính trong khoa học; có các cơ chế để doanh nghiệp tham gia vào các chương trình KHCN quốc gia, phối hợp với các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước”.

Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 16 chương trình KHCN quốc gia, bao gồm 2 chương trình thực hiện dưới hình thức nhiệm vụ KHCN đặc biệt; phê duyệt 17 Chương trình KHCN quốc gia giai đoạn 2021- 2025 và 2021-2030 theo định hướng phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước. Tổng số 10 nhóm lĩnh vực được định ưu tiên gồm: Khoa học xã hội và nhân văn; Khoa học tự nhiên; Công nghiệp; Nông nghiệp; Y tế; Tài nguyên và môi trường; An ninh, quốc phòng; Nghiên cứu ứng dụng KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, dân tộc, vùng, địa phương; Nghiên cứu công nghệ công nghiệp 4.0, công nghệ cao, công nghệ thông tin phục vụ xây dựng Chính phủ số và đô thị thông minh, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ lưu trữ năng lượng, công nghệ vũ trụ, công nghệ bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene; nghiên cứu định hướng đổi mới sáng tạo gắn với doanh nghiệp và thị trường khoa học và công nghệ.