Vaccine COVID-19 dựa trên công nghệ mRNA của Pfizer và Moderna tạo ra phản ứng miễn dịch hiệu quả, nhưng đồng thời chia rẽ thế giới vì giá thành cao và khó bảo quản, khiến các nước thu nhập thấp và trung bình rất khó tiếp cận. Điều này sẽ sớm thay đổi.

Hơn một chục loại vaccine mRNA mới từ chín quốc gia hiện đang trong quá trình nghiên cứu lâm sàng, nhiều loại trong số đó sẽ rẻ hơn và dễ bảo quản hơn so với Pfizer và Moderna.

Hiện có 23 loại vaccine COVID-19 đang được sử dụng trên khắp thế giới, dựa trên các công nghệ khác nhau - riêng hai loại vaccine mRNA của Pfizer và Moderna chiếm khoảng 30% trong số 13,2 tỷ liều đã được sản xuất. Nhưng Pfizer và Modernakhông chia sẻ quyền sở hữu trí tuệ của họ, mà thay vào đó, có kế hoạch xây dựng các nhà máy ở các nước châu Phi. Sẽmất nhiều năm trước khi những dự án này mang lại kết quả. Trong khi các vaccine mRNA mới đang được phát triển có thể tiếp cận thị trường nhanh hơn nhiều.

Một loại vaccine COVID-19 do BioNet-Asia ở Ayutthaya, Thái Lan sản xuất, rẻ hơn hai loại vaccine mRNA hiện nay.

Triển vọng nhất hiện nay là vaccine mRNA do Công ty Công nghệ Sinh học Walvax ở Côn Minh, Trung Quốc, cùng với Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc sản xuất.

Trung Quốc ít công khai thông tin về vaccine này, nhưng một bài báo về thử nghiệm giai đoạn 1 xuất bản trên tạp chí The Lancet Microbe vào tháng 1/2022 cho thấy vaccine Walvaxkhông sử dụng mRNA mã hóa toàn bộ protein gai như Pfizer hay Moderna, mà chỉ sử dụng mRNA mã hóa phần đóng vai trò trực tiếp nhất trong quá trình virus bám vào tế bào, gọi là miền liên kết thụ thể. Trước đó, tháng 7/2021, Walvax đã triển khai thử nghiệm giai đoạn 3 có đối chứng giả dược ở 28.000 người ở Mexico, Indonesia, Nepal và Trung Quốc. Vaccine Walvax có thể bảo quản trong tủ lạnh thông thường, và Walvax cho biết có thể sản xuất 400 triệu liều mỗi năm.

Tại Thái Lan, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Chulalongkorn phát triển một loại vaccine mRNA và đã hoàn thành các thử nghiệm giai đoạn 1, 2. Nhóm này đã bắt chước Pfizer và Moderna: thay thế uridine - một trong bốn khối cấu tạo cơ bản của RNA - bằng methylpseudouridine, chất thay thế làm giảm độc tính của mRNA và làm tăng lượng protein gai mà tế bào sản xuất ra. Vaccine này sẽ được chuyển giao cho công ty BioNet-Asia của Pháp-Thái sản xuất.

Tuy nhiên, để tránh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và giữ giá thành thấp, vaccine này sẽ khác với hai vaccine mRNA hiện có ở một số điểm. Vaccine mRNA của BioNet-Asia sẽ không bao gồm hai đột biến giúp ổn định protein gai, bởi vì công nghệ này đã được bảo vệ sở hữu trí tuệ và nếu muốn dùng sẽ phải trả phí rất đắt. Để tránh một bản quyền sở hữu trí tuệ khác, nhóm nghiên cứu để mRNA hướng dẫn các tế bào tiết ra protein gai, thay vì để mRNA hướng dẫn tế bào cho protein gai liên kết với màng tế bào, như các vaccine mRNA hiện nay đang làm. Một số nghiên cứu cho thấy cách làm này tạo ra phản ứng miễn dịch yếu hơn, nhưng nhóm Đại học Chulalongkorn đã thử nghiệm trên chuột và không thấy sự khác biệt; dữ liệu trên người cũng cho thấy vaccine vẫn kích hoạt mức độ kháng thể mạnh mẽ có thể vô hiệu hóa virus.

BioNet-Asia có thể sản xuất tới 100 triệu liều/năm với mức giá thấp hơn so với Pfizer và Moderna.

Các công ty Daiichi Sankyo của Nhật Bản và Therapeutics của Canada cũng có các vaccine mRNA đang trong giai đoạn phát triển tương đương như BioNet-Asia.

Danh sách các vaccine mRNA đang phát triển trên khắp thế giới (tên vaccine/ quốc gia/ loại mRNA/ giai đoạn đang thử nghiệm).

Nhưng vấn đề là hiện nay rất khó chứng minh các vaccine mới có tác dụng ở người. “Tôi đang gặp rắc rối vì tôi không thể tìm thấy những người chưa có miễn dịch cho thử nghiệm giai đoạn 3,” Kiat Ruxrungtham, người đứng đầu nhóm Đại học Chulalongkorn, nói. Việc thử nghiệm vaccine mới, có đối chứng giả dược, cũng đang trở nên khó khăn về mặt đạo đức. Bởi vì đã có các vaccine COVID-19 được chứng minh hiệu quá, câu hỏi đặt ra là những người tham gia nghiên cứu có đang chịu những nguy cơ không cần thiết hay không.

Các nhà phát triển vaccine ở Ấn Độ và Việt Nam đang dự định thử nghiệm bằng cách so sánh vaccine mới với các vaccine đã có. Còn Kiat hy vọng sẽ đánh giá được vaccine của nhóm dựa trên các chỉ số có tính đại diện: vaccine có làm tăng mức độ kháng thể ở những người đã được tiêm chủng đầy đủ hay không. Các nghiên cứu trước đây về hai loại vaccine mRNA đang bán trên thị trường đã chỉ ra rằng mức kháng thể trung hòa có tương quan với khả năng bảo vệ, và nhóm Kiat, BioNet-Asia cũng như các nhà sản xuất khác hy vọng các cơ quan quản lý sẽ chấp thuận vaccine mới dựa trên dữ liệu tương tự.

Cơ quan Thuốc Châu Âu cho biết sẽ chấp nhận các dữ liệu liên quan đến khả năng miễn dịch trong một số trường hợp nhất định. Cơ quan quản lý Dược phẩm và thực phẩm (FDA) của Mỹ thì chưa ban hành hướng dẫn về vấn đề này. FDA đang rất chần chừ trong việc chấp thuận vaccine dựa trên dữ liệu kháng thể, theo Stanley Plotkin, nhà nghiên cứu vaccine kỳ cựu từng tham gia tư vấn cho Moderna và nhiều công ty khác.

Một nguyên nhân là kháng thể chỉ là một phần của phản ứng miễn dịch mà vaccine mRNA tạo ra. Tế bào T - khó đo hơn - cũng đóng vai trò rất quan trọng, có độ bền cao hơn, và bảo vệ chống lại các biến thể mới hiệu quả hơn so với kháng thể. Tuy nhiên, Plotkin và nhiều nhà nghiên cứu khác cho rằng, nồng độ kháng thể là chỉ số đại diện đủ tốt để cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine. Sau đó, để được phê duyệt đầy đủ, vaccine sẽ phải chứng minh hiệu quả trong các nghiên cứu thực tế.

“Chúng tôi biết rằng có rất nhiều trở ngại phía trước,” Kiat nói. Nhưng ngay cả khi vaccine COVID-19 mRNA lần này không thành công, năng lực phát triển vaccine vẫn sẽ rất giá trị cho tương lai. “Giờ đây, chúng tôi có thể sản xuất vaccine mRNA mới rất nhanh chóng, với giá thấp hơn so với các tập đoàn dược lớn, đó là cách để ứng phó với các đại dịch tiếp theo."

Nguồn: