Pfizer từ chối cung cấp thuốc kháng virus Paxlovid cho thử nghiệm lâm sàng ANTICOV - thử nghiệm có sự tham gia của mười nước châu Phi nhằm tìm ra phương pháp điều trị COVID-19 phù hợp cho bối cảnh nghèo tài nguyên.

Đầu năm nay, Tổ chức Sáng kiến Thuốc cho các bệnh bị bỏ quên (DNDi) đã yêu cầu Pfizer cung cấp lượng Paxlovid đủ để điều trị cho 1.000–2.000 người tham gia thử nghiệm lâm sàng ANTICOV, nhưng tổ chức này cho biết Pfizer đã từ chối và tuyên bố có kế hoạch tự tiến hành các thử nghiệm tương tự. Chi tiết về những cuộc thử nghiệm "tương tự" đó vẫn chưa được Pfizer công bố rộng rãi.

Quyết định của Pfizer khiến các nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng lo ngại. Họ cho rằng quyết định này một lần nữa cho thấy bất bình đẳng trong khả năng tiếp cận thuốc, giống như đã từng xảy ra ở các nước đang phát triển với vaccine COVID-19.

Thử nghiệm ANTICOV nhằm mục đích tìm ra phương pháp điều trị COVID-19 có hiệu quả trong môi trường nghèo tài nguyên.

Paxlovid là sự kết hợp của hai loại thuốc: nirmatrelvir và ritonavir. Nirmatrelvir ngăn chặn một protein SARS-CoV-2 thực hiện quá trình nhân lên của virus, còn ritonavir giúp giữ cho nirmatrelvir không bị phân hủy trong cơ thể. Tháng 12 năm ngoái, Pfizer, có trụ sở chính tại TP New York, thông báo, Paxlovid giảm 88% nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do COVID-19 nếu sử dụng thuốc trong vòng năm ngày kể từ khi có triệu chứng. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) ngay sau đó đã cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc này.

Nguồn cung Paxlovid hạn chế do nguồn cung nirmatrelvir rất thiếu, và các nước có thu nhập thấp và trung bình gặp bất lợi trong cuộc chiến đấu thầu tiếp mua thuốc. Pfizer cho biết họ có thể sản xuất tới 120 triệu liệu trình điều trị vào cuối năm 2022, 4 triệu trong số đó dành để UNICEF phân phối ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. “Chúng tôi đang tiếp tục trao đổi với một số đối tác tư nhân và các tổ chức quốc tế để cung cấp Paxlovid cho các quốc gia có thu nhập thấp hơn,” Pfizer cho biết trong một tuyên bố.

Ngày 17/3, Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc đã cấp phép bằng sáng chế Paxlovid cho Pfizer, thông báo, 35 công ty đã ký thỏa thuận để sản xuất Paxlovid. Lượng thuốc này sẽ được bán ở 95 nước có thu nhập thấp và trung bình, nhưng sớm nhất phải đến năm 2023 mới ra thị trường, và danh sách các nước không bao gồm nhiều quốc gia có thu nhập trung bình bao gồm Thái Lan, Malaysia và một số nước ở Mỹ Latinh.

Vì đến nay chưa có nhiều thuốc đường uống điều trị COVID-19, và một loại thuốc đường uống do Merck sản xuất còn đang gây lo ngại, nhu cầu đối với Paxlovid rất lớn, theo Melissa Barber, nhà nghiên cứu kinh tế sức khỏe tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan. Cũng theo bà, cần các thử nghiệm thuốc đa dạng, vì mức độ hiệu quả hoặc tác dụng phụ của nó có thể thay đổi ở các quốc gia khác nhau.

Chẳng hạn, Paxlovid cần dùng trong vòng năm ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng COVID-19. Việc chẩn đoán nhanh chóng như vậy là rất khó ở bất kỳ quốc gia nào, nhưng đặc biệt khó ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, ít xét nghiệm và hầu như không có test nhanh, Rachel Cohen, giám đốc điều hành khu vực của DNDi ở TP New York, nói.

Chỉ có khoảng 1/2 những người đã từng tham gia thử nghiệm ANTICOV được chẩn đoán trong vòng năm ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện các triệu chứng. Với hy vọng kéo dài cửa sổ thời gian phát huy tác dụng của Paxlovid, DNDi vốn dự định thử nghiệm thuốc kết hợp với một loại steroid hít (budesonide), để xem có thể trì hoãn sự tiến triển của bệnh và "câu giờ" cho Paxlovid phát huy tác dụng không.

Theo Cohen, không có gì lạ khi các công ty dược phẩm không muốn cho phép các nhà nghiên cứu bên ngoài tiến hành các nghiên cứu với các loại thuốc như Paxlovid trong giai đoạn thuốc mới chỉ được các cơ quan quản lý cấp phép tạm thời hoặc cấp phép có điều kiện. Nhưng ông cho biết nhóm DNDi ngạc nhiên vì Pfizer không công khai những thử nghiệm "tương tự" như thử nghiệm ANTICOV, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch.

Nguồn: