Mặc dù ngày nay hầu hết chúng ta không phải mất ngủ quá nhiều vì lũ gấu, nhưng cuộc sống hiện đại cũng cho ta vô khối lý do để lo lắng: khủng bố, biến đổi khí hậu, sự trỗi dậy của A.I, việc xâm phạm quyền riêng tư của chúng ta, thậm chí cả sự suy giảm rõ ràng của hợp tác quốc tế.
Trong cuốn sách mới hấp dẫn của mình, 21 bài học cho thế kỷ XXI sử gia Yuval Noah Harari tạo ra một bộ khung hữu ích để đối đầu với những nỗi sợ hãi này. Trong khi những cuốn sách bán chạy trước đây của ông Sapiens - Lược sử loài người và Homo Deus - Lược sử tương lai đề cập lần lượt đến quá khứ và tương lai, cuốn sách mới của ông nói về hiện tại.
Bí quyết để chấm dứt những nỗi lo của chúng ta, ông khuyến nghị, không phải là ngừng lo lắng. Mà là biết cần lo lắng về điều gì, và lo lắng bao nhiêu về chúng. Như ông viết trong phần giới thiệu: “Các thách thức lớn nhất và những thay đổi quan trọng nhất ngày nay là gì? Chúng ta phải chú đến điều gì? Chúng ta cần dạy con cái mình những gì?”
Sử gia Yual Noah Harari. Nguồn: thejakartapost.com
Phải thừa nhận rằng đây là những câu hỏi lớn, và đó là một cuốn sách có ảnh hưởng sâu rộng. Có những chương sách nói về công việc, chiến tranh, chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo, nhập cư, giáo dục và 15 vấn đề quan trọng khác. Nhưng tiêu đề của nó có thể làm ta lầm lẫn. Mặc dù bạn sẽ tìm thấy một số bài học cụ thể rải rác đây đó, Harari cơ bản chống lại những đơn thuốc tiện dụng. Ông quan tâm nhiều hơn đến định nghĩa những điều kiện cho tranh luận và cho bạn góc nhìn lịch sử và triết học.
Ví dụ, ông triển khai một thí nghiệm tư duy thông minh để nhấn mạnh con người đã đi xa tới đâu khi tạo ra một nền văn minh toàn cầu. Ông nói, hãy hình dung bạn đang tìm cách tổ chức Đại hội thể thao Olympic năm 1016. Rõ ràng là không thể. Người châu Á, châu Phi và châu Âu không biết rằng châu Mỹ tồn tại. Nhà Tống ở Trung Hoa không nghĩ rằng có bất cứ thực thể chính trị nào trên thế giới có thể sánh ngang với nó. Chưa ai có cờ để kéo hay quốc ca để hát tại lễ trao huy chương.
Vấn đề là sự cạnh tranh ngày nay giữa các quốc gia - cho dù trên sân thể thao hay sàn giao dịch - “thực sự đại diện cho một thỏa thuận toàn cầu đáng kinh ngạc.” Và thỏa thuận đó giúp cho cạnh tranh cũng như hợp tác được dễ dàng hơn. Hãy ghi nhớ điều nay khi một lần nữa bạn bắt đầu nghi ngờ liệu chúng ta có thể giải quyết được một vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu hay không. Sự hợp tác toàn cầu của chúng ta đã lùi một vài bước trong hai năm qua, nhưng trước đó chúng ta đã tiến hàng ngàn bước.
Vậy tại sao có vẻ như thế giới đang suy yếu? Chủ yếu là do chúng ta đã bớt sẵn sàng chịu đựng bất hạnh và đau khổ. Mặc dù tổng số bạo lực trên thế giới đã giảm đi đáng kể, chúng ta lại tập trung vào số người chết hàng năm trong các cuộc chiến vì chúng ta phẫn nộ trước sự lớn lên của bất công. Và phải như vậy.
Đây là một nỗi lo khác được Harari xử lý: trong một thế giới ngày càng phức tạp, làm thế nào mà mỗi người trong chúng ta có đủ thông tin để ra những quyết định có sở cứ? Nhờ chuyên gia trợ giúp là một lựa chọn hấp dẫn, nhưng làm thế nào chúng ta biết được họ không a dua theo đám đông? “Vấn đề của tư duy nhóm và sự ngu dốt cá nhân không chỉ bao vây các cử tri và khách hàng”, ông viết, “mà còn cả các tổng thống và giám đốc điều hành”. Với tôi điều này là đúng, từ trải nghiệm của tôi cả ở Microsoft và Quỹ Gates. Tôi phải thận trọng để không dẫn dụ mình tới suy nghĩ rằng mọi thứ tốt hơn - hoặc tệ hơn - như chúng thực có.
Vậy Harari nghĩ chúng ta cần phải làm gì? Trong suốt cuốn sách là một số lời khuyên thực dụng, bao gồm một chiến lược kiềng ba chân để chống lại chủ nghĩa khủng bố và một số lời khuyên để đối phó với tin giả. Nhưng ý tưởng chính được cô đọng lại là: Hãy thiền định. Tất nhiên ông không gợi ý rằng các vấn đề của thế giới sẽ biến mất nếu có đủ số người trong chúng ta ngồi kiết già và ngâm nga âm Om. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng cuộc sống trong thế kỷ XXI cần có Chánh niệm - nhận thức được bản thân tốt hơn và thấy được rằng chúng ta đóng góp vào những khổ đau trong cuộc sống của chúng ta như thế nào. Bắt chước thì rất dễ, nhưng khi ai đó bước vào con đường chánh niệm và thiền định, tôi thấy điều đó thật hấp dẫn.
Cho dù tôi ngưỡng mộ Harari và thích thú đọc “21 bài học” nhưng tôi không đồng ý hết với mọi điều trong cuốn sách. Tôi vui mừng khi thấy có chương nói về Bất bình đẳng, nhưng tôi nghi ngờ dự đoán của ông rằng trong thế kỷ XXI “dữ liệu sẽ lấn lướt cả đất đai và máy móc để trở thành tài sản giá trị nhất” để phân biệt người giàu với những người còn lại. Đất đai sẽ luôn vô cùng quan trọng, đặc biệt khi dân số toàn cầu lên tới gần 10 tỷ. Trong khi đó, dữ liệu về những nỗ lực quan trọng của con người - làm thế nào để trồng lương thực hay tạo ra năng lượng chẳng hạn - sẽ trở nên phổ biến rộng rãi hơn. Chỉ đơn giản có thông tin không tạo ra được lợi thế cạnh tranh; biết phải làm gì với nó mới tạo ra lợi thế.
Tương tự như vậy, tôi muốn nhìn thấy nhiều sắc thái hơn nữa trong các thảo luận của Harari về Dữ liệu và Quyền Riêng tư. Ông đã nhận xét đúng rằng thông tin được thu thập bởi các cá nhân đang nhiều hơn bao giờ hết. Nhưng ông không phân biệt giữa các loại dữ liệu đang được thu thập - kiểu giầy bạn muốn mua so với các loại bệnh tật mà bạn có khả năng mắc do di truyền - hoặc ai là người thu thập nó, hay họ sử dụng nó như thế nào. Lịch sử mua bán của bạn và lịch sử bệnh án của bạn không phải do cùng một người thu thập và bảo vệ hay được sử dụng cho cùng mục tiêu. Nhận thức được sự khác biệt này có thể làm cho thảo luận của ông rõ ràng hơn.
Tôi cũng không hài lòng với chương về Cộng đồng. Harari lập luận rằng truyền thông mạng xã hội, bao gồm Facebook, đã góp phần vào sự phân cực chính trị bằng cách cho phép người dùng tự rút vào trong những cái kén của mình, chỉ tương tác với những ai chia sẻ quan điểm với họ. Đó là quan điểm công bằng, nhưng ông đã hạ thấp lợi ích của việc kết nối gia đình và bạn bè trên khắp thế giới.
Ông cũng tung hỏa mù bằng cách hỏi liệu một mình Facebook có thể giải quyết được vấn đề phân cực hay không. Tất nhiên một mình nó thì không thể - nhưng điều đó không làm ta ngạc nhiên nếu tính đến mức độ tác động rất sâu của vấn đề. Các chính phủ, xã hội dân sự và khu vực tư nhân đều có vai trò của mình, và tôi mong muốn Harari nói thêm về họ.
Nhưng Harari là một nhà văn có lối viết thực sự hào hứng nên kể cả khi không đồng tình, tôi vẫn tiếp tục đọc và suy ngẫm. Cả ba cuốn sách của ông đều đánh vật với một phiên bản nào đó của cùng một câu hỏi: Điều gì sẽ cho cuộc sống của chúng ta ý nghĩa trong những thập kỷ và thế kỷ tới? Cho tới nay, lịch sử loài người được thúc đẩy bởi mong muốn được sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và hạnh phúc hơn. Nếu khoa học cuối cùng cũng có thể đưa giấc mơ đó lại cho hầu hết mọi người, và rất nhiều người sẽ không cần phải làm việc để mọi người đều có ăn có mặc, thì chúng ra sẽ thức dậy vào mỗi buổi sáng vì lý do gì?
Không phải là phê bình khi nói rằng Harari vẫn chưa đưa ra được câu trả lời thỏa đáng. Và cũng chưa có ai làm được. Vì thế tôi hy vọng trong tương lai ông sẽ quay trở lại với câu hỏi này đầy đủ hơn. Trong khi đó, ông đã khơi dậy một cuộc thảo luận quan trọng toàn cầu về làm thế nào để giải quyết các vấn đề của thế kỷ XXI.
(Bill Gates điểm cuốn “21 bài học cho thế kỷ XXI”của Yuval Noah Harari)