Một nghiên cứu quy mô nhất từ trước đến nay đã đo lường hậu quả về mặt xuất bản và trích dẫn khi nhà khoa học chuyển sang một lĩnh vực nghiên cứu khác.
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Các tác giả đo lường hậu quả của việc chuyển hướng nghiên cứu (‘pivot penalty’) bằng cách phân tích phần tham khảo trong 25,8 triệu bài báo khoa học xuất bản từ năm 1970 đến năm 2015. Họ so sánh các trích dẫn trong một bài báo với các trích dẫn được cùng một tác giả đưa vào phần tham khảo trong ba năm trước đó; chính xác là họ tập trung phân tích các tạp chí nơi công bố các bài báo được trích dẫn.
Do các tạp chí thường chuyên về từng chủ đề cụ thể, việc trích dẫn bài báo từ tạp chí nào sẽ cho biết lĩnh vực mà một nhà nghiên cứu thường tham khảo, theo Dashun Wang - nhà khoa học xã hội tính toán tại Đại học Northwestern, Illinois, đồng tác giả của nghiên cứu. “Nếu đột nhiên tôi trích dẫn các tạp chí mà trước đây chưa từng trích dẫn, đó là dấu hiệu tôi đang làm điều gì đó rất khác với lệ thường,” Wang giải thích.
Theo phân tích, một chuyển hướng lớn có thể là khi nhà nghiên cứu chuyển từ đánh giá dữ liệu tội phạm sang dự báo sự lây lan của COVID-19; và một chuyển hướng nhỏ có thể là từ nghiên cứu virus cúm nguồn gốc từ dơi sang nghiên cứu virus SARS-CoV-2.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy mức độ chuyển hướng càng lớn thì khả năng một bài báo được xếp vào nhóm 5% bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong lĩnh vực của nó vào năm đó càng thấp. Đồng thời, các nhà khoa học cũng khó công bố bài báo của mình hơn sau khi chuyển hướng nghiên cứu.
“Đây là một mối quan hệ rất mạnh và gần như phổ quát,” đồng tác giả Benjamin Jones - nhà kinh tế tại Đại học Northwestern, cho biết. Ông còn chỉ ra xu hướng này cũng đúng với bằng sáng chế. Nhóm đã phân tích 1,7 triệu bằng sáng chế được cấp ở Mỹ từ năm 1980 đến năm 2015 và phát hiện hiện tượng tương tự khi đánh giá các lĩnh vực công nghệ được trích dẫn trong bằng sáng chế.
Nghiên cứu của nhóm Wang và Jones xuất phát từ sự chuyển chuyển hướng ồ ạt sang nghiên cứu COVID-19 trong thời kỳ đại dịch. Phân tích cho thấy dù các nghiên cứu về COVID-19 rất được quan tâm và dễ được xuất bản ở các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao trong đại dịch, nhà khoa học đến từ lĩnh vực khác vẫn phải chịu ‘pivot penalty’.
Tuy nhiên, nghiên cứu chưa theo dõi lâu dài để xem các nhà khoa học có được trích dẫn nhiều hơn hay không khi họ tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu mới.
Một trong những khó khăn của việc chuyển hướng nghiên cứu, đặc biệt vào các lĩnh vực hẹp, là vấn đề tìm tài trợ. Nếu những người dám chấp nhận rủi ro được cộng đồng khoa học tưởng thưởng thì điều đó sẽ có lợi, theo nhóm nghiên cứu. “Chúng ta không cần ép ai phải thay đổi, nhưng nếu họ thay đổi thì không nên có quá nhiều rào cản,” Kleiner nói.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature.
Kieron Flanagan - chuyên gia chính sách khoa học tại Đại học Manchester, Anh, cho biết, ông không ngạc nhiên về kết quả của nghiên cứu, nhưng khối lượng dữ liệu khổng lồ mà nghiên cứu phân tích khiến nó trở nên khác biệt.
Trong khi đó, James Wilsdon - giám đốc Research on Research Institute, London, nhận xét: “Tôi chưa từng thấy phân tích nào về vấn đề này ở quy mô lớn như vậy.”
Nguồn: