Vừa qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ - đơn vị chủ trì thực hiện đề tài đã phối hợp cùng Bộ môn Di truyền giống nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá dòng (giống) lúa chịu phèn (khảo nghiệm cơ bản).

Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài “Tạo giống lúa chống chịu phèn, ngắn ngày, năng suất sao, chất lượng tốt cho vùng đất phèn tỉnh Long An”. Sự kiện được tổ chức tại nhà ông Nguyễn Văn The, ấp Tre 1, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

Đồng Tháp Mười thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích tự nhiên khoảng 696.946 ha, chiếm 17,7% diện tích tự nhiên của ĐBSCL, trải rộng trên 3 tỉnh Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang, trong đó hơn 50% diện tích thuộc tỉnh Long An. Đây là vùng đất phèn (chiếm khoảng 39,27%) có địa hình trũng, thấp, rất thích hợp cho cây lúa nước sinh trưởng, phát triển hơn nhiều loại cây trồng khác nên lúa là cây trồng chủ lực.

Từ sau giải phóng với sản lượng lúa khiêm tốn khoảng 700-800 ngàn tấn (chủ yếu là lúa mùa), đến nay diện tích canh tác lúa khoảng 350.000ha, sản lượng lúa từ 3,0-3,4 triệu tấn/năm, đưa vùng ĐTM có vị trí quan trọng, đóng góp vào lượng gạo xuất khẩu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đảm bảo an ninh lương thực vững chắc trong vùng. Hiện tại cũng như tương lai, ĐTM vẫn và sẽ là nơi sản xuất lúa gạo lớn.

Tỉnh Long An có 13 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố thì có hơn 1/2 diện tích đất canh tác thuộc vùng phèn Đồng Tháp Mười. Diện tích khá lớn, có thể khai thác cho sản xuất nông nghiệp, bên cạnh đó cần có một giống lúa mang thương hiệu của tỉnh Long An. Chính vì vậy, việc tạo giống lúa chống chịu phèn, năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với tiêu dùng và xuất khẩu là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Với mục tiêu tạo giống lúa ngắn ngày (< 100 ngày), chịu phèn, năng suất (5 - 7 tấn/ha), chất lượng tốt: hàm lượng amylose thấp (10 -19%), độ bền thể gel (cấp 3 -cấp 5), nhiệt trở hồ (cấp 1 - cấp 3), chiều dài hạt dài (6,61 - 7,5 mm), hình dạng hạt gạo thon dài (> 3,0), ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành chọn tạo và khảo nghiệm 10 giống lúa tại ấp Tre 1, xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An - khu vực đất phèn đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười.

Các giống lúa khảo nghiệm có thời gian sinh trưởng trung bình từ 90 - 95 ngày, chống chịu và sinh trưởng được trên vùng đất phèn, có các phẩm chất như hàm lượng amylose, nhiệt trở hồ, độ bền thể gel,… đáp ứng mục tiêu của đề tài.

Tại hội thảo, tất cả khách mời và bà con nông dân được tham quan khu vực khảo nghiệm các giống lúa trong khuôn khổ đề tài để đánh giá và lựa chọn giống lúa tốt nhất một cách khách quan. Theo đánh giá của bà con nông dân, giống lúa số 2 được lựa chọn bởi các phẩm chất đáp ứng được mục tiêu của đề tài, năng suất vượt trội so với các giống lúa cùng khảo nghiệm. Bên cạnh đó, giống lúa số 2 có năng suất đạt 9 - 10 tấn/ha, cao nhất trong 10 giống lúa chịu phèn được khảo nghiệm.

Hình ảnh tại buổi hội thảo:

 PGS.TS. Võ Công Thành đại diện ban chủ nhiệm đề tài báo cáo sơ lược kết quả thực hiện đề tài

 Đại biểu tham quan và tiến hành đánh giá, lựa chọn giống lúa chịu phèn

 Hình ảnh giống lúa số 2 được đa số đại biểu lựa chọn và cánh đồng lúa khảo nghiệm của đề tài