Một loài thực vật độc nhất châu Úc đang mang lại hy vọng về loại thuốc giảm đau không opioid.

Dendrocnide moroides thuộc họ tầm ma, thường gọi là cây châm chích, cây gympie-gympie, hay cây tầm ma Queensland. Chúng sinh trưởng trong các khu rừng mưa tại Úc và Malaysia, với những chiếc lá to hình trái tim. Nhưng đừng để vẻ ngoài vô hại này đánh lừa bạn: truyện xưa kể rằng một trong những người đầu tiên tới châu Úc định cư đã lỡ dùng lá của loại cây này thay giấy vệ sinh, kết cục là anh ta đã dùng súng tự sát để chấm dứt tình trạng đau đớn. Vì thế, nó còn được mệnh danh là cây tự sát.

Cây châm chích. Ảnh: o2elot/ indefenseofplants.com
Cây châm chích. Ảnh: o2elot/ indefenseofplants.com

Nếu động vật hay con người chẳng may chạm vào lá của cây châm chích, lớp lông tơ như những chiếc kim nhỏ phủ trên đó sẽ sản xuất ra một chất độc thần kinh tương tự như loài nhện độc hay ốc nón. Theo một số nạn nhân mô tả, vết chích giống như bị điện giật và cơn đau sẽ kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời. Đây là loài thực vật độc nhất ở Úc, nếu không muốn nói là trên toàn thế giới.

Song giờ đây, các nhà khoa học tại Đại học Queensland đã nghiên cứu chất độc trong loài cây này và tin rằng nó có thể giúp phát triển những cách điều trị cơn đau mới.

Trong nghiên cứu trước đó của mình, nhóm đã cho độc tố gympietides tương tác với dây thần kinh bằng cách lấy lông tơ trên lá chích vào.

Lớp lông tơ này sẽ truyền độc tố vào động vật hay con người chạm vào nó.
Lớp lông tơ này sẽ truyền độc tố vào động vật hay con người chạm vào nó.

Nhiều độc tố gây ra cơn đau bằng cách liên kết trực tiếp với các kênh natri trong những tế bào thần kinh cảm giác.

Nhưng gympietide cần kết hợp với một loại protein có tên là TMEM233 để gây đau. Khi thiếu protein này, độc tố không thể phát huy tác dụng. Đây là một phát hiện bất ngờ vì chưa từng có loại độc tố nào cần protein cộng sự để tác động tới các kênh natri.

Các nhà nghiên cứu sẽ tìm hiểu liệu việc tắt cơ chế gây đau này đi có dẫn tới việc phát triển một loại thuốc giảm đau mới hay không.

"Chúng tôi hy vọng rằng có thể biến những hợp chất trong độc tố của cây châm chích, thứ gây ra cơn đau dai dẳng, thành loại thuốc giảm đau hay thuốc gây mê mới có tác dụng kéo dài hay không", GS Irina Vetter, tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Điều này mở ra một hướng mới tiềm năng để phát triển loại thuốc giảm đau không có tác dụng phụ hay các vấn đề phụ thuộc vốn thường xảy ra với các loại thuốc giảm đau truyền thống.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.