Mặc dù có khá nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ về chuyển giao kết quả nghiên cứu trong trường đại học và thúc đẩy sự hợp tác trường đại học - doanh nghiệp nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn cần sự ra tay của chính sách.
Nhằm nhận diện những vấn đề còn tồn tại trong quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong các trường đại học ở Việt Nam, Dự án Thúc đẩy hợp tác trường ĐH - doanh nghiệp thông qua Đổi mới và Công nghệ (BUILD-IT) do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ và ĐH Arizona (ASU) thực hiện đã được triển khai trên sáu trường đại học là ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Lạc Hồng, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Cần Thơ. Đó là sáu trường có những kết quả nghiên cứu có nhiều tiềm năng trở thành công nghệ và hứa hẹn vào khả năng chuyển giao cho doanh nghiệp, nếu được đầu tư thêm.
Trung tâm Sáng chế, ĐH Cần Thơ.
Dự án BUILD-IT ghi nhận, nhiều lãnh đạo các trường đại học đã chấp nhận tư duy kiểu doanh nghiệp và thiết lập những chiến lược phát triển tốt hơn để thúc đẩy các mục tiêu cần đạt được, các chỉ số đo lường hiệu quả, tăng cường trao đổi với các đối tác công nghiệp và các bên khác trong chính bản thân nhà trường, mở rộng sự hợp tác trường – doanh nghiệp...
Củng cố mối quan hệ doanh nghiệp – trường ĐH
Trong số sáu trường đại học tham gia dự án BUILD-IT, ĐH Bách khoa TP.HCM là nơi được đánh giá cao về trình độ khoa học và công nghệ. Ở góc độ nghiên cứu cơ bản, trường có hai nhà khoa học đoạt giải thưởng Tạ Quang Bửu là giáo sư Phan Thanh Sơn Nam năm 2017 với công trình về vật liệu khung hữu cơ kim loại và PGS. TS Nguyễn Thị Lệ Thu năm 2022 về vật liệu tự lành. Ở góc độ công nghệ, trường cũng có nhiều hoạt động chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp. Trang web của trường cũng tự hào đăng những dòng tin giới thiệu “Các doanh nghiệp lớn liên tục đến trường ĐH Bách khoa ký kết hợp tác đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ”, ví dụ như trong năm 2021 có LMC Holdings, Nafoods Group, VNG, Wilo Việt Nam…
Một trong những điểm sáng của trường ĐH Bách khoa TP.HCM là khả năng sẵn sàng ứng phó với những yêu cầu thực tế, dựa trên năng lực đã được tích lũy. Ví dụ, vào cuối tháng 3/2020, ngay đầu đại dịch COVID-19, PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc (Khoa Cơ khí) đã thông báo chế tạo thành công hệ thống máy sản xuất khẩu trang y tế với hệ thống hàn quai siêu âm đơn điểm tối ưu về chi phí và tiết kiệm thời gian. Tuy vậy, không phải trường nào trong số sáu trường cũng được như vậy, không dễ để trưng cho các doanh nghiệp thấy giá trị công nghệ của mình, nhất là khi chưa có nhiều trường quan tâm đến việc hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu thành công nghệ hoặc “đóng gói” nó thành các sáng chế, giải pháp hữu ích… để dễ giới thiệu và thuyết phục doanh nghiệp quan tâm. Nhiều kết quả khảo sát năng lực đổi mới và công nghệ trong trường đại học trong vài năm gần đây cho thấy, số lượng sản phẩm đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ hay các sàn giao dịch công nghệ chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ.
Mặt khác, những hiệu quả đạt được từ chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp vẫn còn khiêm tốn, ngay cả ĐH Bách khoa TP.HCM. Theo thông tin từ hội nghị đánh giá giữa kỳ kế hoạch chiến lược giai đoạn 2016-2020 và định hướng 2030, kể từ năm 2016 đến đầu năm 2019, trường thu được gần 190 tỷ đồng từ hoạt động chuyển giao công nghệ, nghĩa là chưa thực sự “thấm tháp” gì so với năng lực của trường cũng như nhu cầu của chính giới doanh nghiệp.
Đó là lý do dự án BUILD-IT đã tính đến việc thành lập và nâng cao vai trò của Ban Cố vấn doanh nghiệp (Industry Advisory Boards) ở sáu trường đại học. Trước dự án, trừ ĐH Bách khoa Đà Nẵng, các trường đều có Ban Cố vấn doanh nghiệp nhưng không phải ở trường nào cũng hoạt động hiệu quả. Kể từ năm 2020, khi dự án thúc đẩy hoạt động của Ban Cố vấn doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trao đổi nhiều hơn với các giảng viên, thậm chí giảng dạy các khóa tập huấn, tham gia các hội đồng phản biện và hướng dẫn các dự án nghiên cứu…, các hoạt động của Ban cố vấn đã tăng 69% so với trước đây.
Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và trường đại học đã biến đổi. Các doanh nghiệp nhìn thấy giá trị của việc tài trợ cho đổi mới sáng tạo từ nghiên cứu của giảng viên, các cuộc thi khởi nghiệp của sinh viên trong trường, qua đó có thể giảm bớt chi phí R&D của mình và có cơ hội đón nhận nguồn nhân lực chất lượng cao. Như vậy trường không chỉ coi doanh nghiệp là nơi đón nhận sinh viên tới thực tập, hoặc bên mua một số sản phẩm nghiên cứu nữa; ngược lại, doanh nghiệp không chỉ coi trường đại học đơn thuần là nơi cung cấp nguồn nhân lực tương lai. Họ tư vấn cho các trường cập nhật các chương trình đào tạo để tiến tới gần hơn yêu cầu của thị trường lao động. Hợp tác dạng này của Ban Cố vấn doanh nghiệp được dự án BUILD-IT coi là “cộng tác thực sự”, “hiệu quả thực sự”. “Lợi ích của doanh nghiệp có thể thấy rõ khi họ không cần đầu tư nhiều vào R&D như trước vì đã được ‘chuyển’ sang trường ĐH. Chi phí xây dựng một nhóm nghiên cứu có thể được doanh nghiệp chuyển thành phát triển nguồn nhân lực còn nhà trường có thể có nguồn thu cho chuyển giao…”, theo nhận xét của một giảng viên ĐH Lạc Hồng.
Từ những hoạt động này, mối quan hệ hợp tác bắt đầu hứa hẹn sẽ đem lại những cam kết dài hạn. “Tôi nghĩ, mối quan hệ có thể bền vững nếu các doanh nghiệp thấy những cam kết của các giảng viên và sinh viên cũng như khi thấy hiệu quả ban đầu đủ tốt, họ sẽ tự nguyện rót hàng triệu đồng học bổng mỗi tháng cho một sinh viên, vốn không phải là một đầu tư tốn kém với doanh nghiệp. Sau đó, họ sẽ tăng thêm cam kết của mình, miễn là chúng tôi có thể đạt được yêu cầu của họ, và mở rộng mạng lưới hợp tác”, một lãnh đạo ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết.
Có thể kể thêm nhiều lợi ích của việc hợp tác xây dựng năng lực, ví dụ như các doanh nghiệp hiểu rằng muốn có được sản phẩm mình mong muốn thì cần đầu tư thêm vào các phòng thí nghiệm của trường. “Tôi nghĩ điều này thể hiện sự bền vững trong hợp tác. Chúng tôi có hợp tác dài hạn với ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thành lập một phòng thí nghiệm và nay tiếp tục nâng cấp thiết bị”, một người tham gia dự án BUILD-IT nói.
Chưa thể giải quyết hết thách thức
Có lẽ, với khuôn khổ một dự án thì khó giải quyết được tận cùng mọi vấn đề, ngay cả với một dự án lớn khảo sát và thí điểm ở nhóm sáu trường đại học kỹ thuật như BUILD-IT. Tuy nhiên, đi theo từng hoạt động khảo sát của dự án và cách các hoạt động đó được triển khai ở từng trường, nó đã hé lộ rất nhiều thông tin mà các trường có thể dựa vào đó để cấu trúc, chỉnh sửa lại các hoạt động liên quan đến nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ…
Theo nhận xét của BUILD-IT, có hai thách thức lớn nhất trong việc duy trì gắn kết mối quan hệ giữa các trường đại học với giới công nghiệp là đảm bảo duy trì hợp tác tốt ngay cả khi không còn dự án; khuyến khích mở rộng các mối hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau và nhiều trường – doanh nghiệp với nhau. Dường như vẫn còn có những khoảng cách trong mối quan hệ này, nếu nhìn từ quan điểm của hai bên.
Nếu nhìn từ góc độ trường đại học, ngay cả khi các doanh nghiệp hứa hẹn sẽ đầu tư tài chính dài hạn vào hợp tác về R&D, tài trợ cho các cuộc thi kỹ thuật, khởi nghiệp hay mua sắm thiết bị phòng thí nghiệm thì các trường vẫn muốn doanh nghiệp đem lại lợi ích thiết thực hơn cho sinh viên như cố vấn một cách trực tiếp qua các cuộc thi, tham gia các bài giảng để sinh viên có thể có được những kiến thức thực tế hơn. Mặt khác, việc các doanh nghiệp cam kết đầu tư tài chính dài hạn vẫn còn chưa thực sự phổ biến vì nói chung các doanh nghiệp chưa đủ độ kiên nhẫn để cùng các nhà khoa học trong trường thực hiện các dự án R&D một cách hoàn thiện.
Trong khi đó, một số đại diện doanh nghiệp lại chia sẻ với BUILD-IT, họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đầu tư bởi họ thiếu bằng chứng về sự cam kết đầu tư của chính các trường đại học. Thậm chí, họ cho rằng thiếu dữ liệu tin cậy về cách các nguồn lực đầu tư này đem lại hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực cũng như hiệu quả đối với bên tham gia, nhất là trong trường hợp các dự án đầu tư có sự góp mặt của nhiều trường đại học. Cái khó trong trường hợp này là dữ liệu phân tán và thường được các trường tích hợp vào quá trình đào tạo của mình nên rất khó tách bạch hiệu quả và có thể là vấn đề khiến các trường không chia sẻ dữ liệu với các doanh nghiệp để cùng giải quyết vấn đề.
Trên thực tế, những rào cản cho hợp tác xuất hiện muôn hình vạn trạng, có doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng, họ không quan tâm đến thị trường Việt Nam nên không muốn triển khai hợp tác; nhưng cũng có doanh nghiệp giấu tên cho rằng một số trường đại học Việt Nam chỉ có năng lực ở mức vừa phải, “hữu danh vô thực” và không có hoạt động hiệu quả nào với doanh nghiệp… Một giảng viên trường đại học Bách khoa Đà Nẵng thừa nhận một thực tế khác “thông thường, các trường đại học chỉ mời doanh nghiệp khi cần và khi chương trình khép lại thì mọi chuyện cũng kết thúc. Hệ quả là doanh nghiệp không thấy vai trò của mình quan trọng như thế nào. Các trường thường có xu hướng nghĩ là họ đã làm tốt mọi chuyện và họ đã đóng góp cho xã hội các nguồn lực tốt”.
Bản thân các doanh nghiệp, cũng giống như nhiều trường đại học cũng chưa thực sự thay đổi, chưa nhận thấy hiệu quả của hợp tác. Một thành viên tham gia dự án BUILD-IT cho rằng “không chỉ các trường phải thay đổi cách nghĩ mà các công ty ở Việt Nam cũng cần có điều đó… Họ chỉ sử dụng các mức lương cao để thu hút sinh viên, kéo và đẩy những người làm từ công ty này sang công ty khác. Họ không thực sự đầu tư cho mục đích dài hạn là cần phải phát triển một nguồn nhân lực liên tục”.
Có lẽ, cũng phải thấy rằng giữa hai bên, một là doanh nghiệp và một là trường đại học, còn có những khác biệt tồn tại, chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Ví dụ, trong một hội thảo tại ĐHQG TP.HCM, tổ chức vào tháng sáu vừa qua, TS. Nguyễn Thanh Mỹ, chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, đã giải thích về sự khác biệt này. Theo quan điểm của ông, mục tiêu cuối cùng của trường đại học là đào tạo nguồn nhân lực, làm ra kiến thức mới còn doanh nghiệp là sản phẩm thiết thực; trong hoạt động R&D, nhà nghiên cứu trong trường đại học làm ra bài báo khoa học, cùng lắm là sản phẩm thử nghiệm còn doanh nghiệp cần giải quyết vấn đề thực tế hay sản phẩm mới, có khả năng dùng được và cạnh tranh được trên thị trường…
Mặt khác, có một vấn đề không thể phủ nhận là trường đại học thường phải chịu rất nhiều khung quản lý khác nhau, đặc biệt là khung tài chính, trong khi các doanh nghiệp lại không muốn liên quan đến những thủ tục hành chính rắc rối, có thể ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư cho các dự án hợp tác. Điều này góp thêm một rào cản hữu hình khiến các trường đại học và doanh nghiệp khó có thể duy trì được mối quan hệ hợp tác dài hạn và có lợi cho cả hai bên.
Do đó, dù đã có nhiều chính sách khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong trường đại học nhưng không gian này vẫn cần đón nhận thêm những quy định mới hoặc những rà soát, chỉnh sửa các chính sách hiện có để các trường đại học thực sự là nơi sản sinh và chuyển giao tri thức cũng như các dạng sản phẩm hữu ích khác cho xã hội.
Không gian sáng chế ĐH Cần Thơ
Là kết quả sau 5 năm thực hiện dự án BUILD-IT, Không gian sáng chế đặt tại ĐH Cần Thơ được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại như máy CNC (Computer Numberical Control) chính xác, máy in 3D, máy khắc laser, thiết bị hiệu chuẩn calib, máy tính, dụng cụ đo đạc… Đây là một nơi để sinh viên các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật ở vùng ĐBSCL tới khám phá, đổi mới sáng tạo và làm ra những sản phẩm mới ở dạng mẫu thử từ những ý tưởng ban đầu cũng như thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp vào những ý tưởng ban đầu này.
Đầu tư cho Không gian sáng chế, USAID đã rót khoảng 105.000 USD trong khi vốn đối ứng của ĐH Cần Thơ là năm tỉ đồng, tương đương 215.000 USD. “Không gian sáng chế đã trở thành một điểm nhấn của trường, một nơi cho sinh viên và các giảng viên có thể đưa các hiểu biết lý thuyết trong lĩnh vực STEM và ý tưởng sáng tạo của mình thành các sản phẩm thử nghiệm cho các giải pháp công nghệ, thúc đẩy họ suy nghĩ nhiều hơn và sáng tạo nhiều hơn. Nó cũng góp phần tăng cường mối quan tâm đến hoạt động STEM trong học sinh sinh viên trong vùng thông qua những chuyến đến Không gian sáng chế và theo học các khóa thực hành tại đây. Đáng chú ý là nó cũng được thiết kế để trở thành một nơi làm về R&Dcho doanh nghiệp vừa và nhỏ, một điểm tập huấn cho các đối tác doanh nghiệp”, một lãnh đạo ĐH Cần Thơ cho biết như vậy.
Với Không gian sáng chế, ĐH Cần Thơ đã thu hút không ít doanh nghiệp đầu tư và hỗ trợ các hoạt động sáng tạo. Công ty Rockwell Automation Việt Nam - Công ty chuyên về tự động hóa công nghiệp và chuyển đổi số - đã tham gia sự kiện khai trương không gian này vào năm 2019 và đầu tư Phòng thí nghiệm tự động hóa Rockwell với 7 tỷ đồng dành cho 20 bộ thí nghiệm tự động hóa cơ bản, 19 bộ thí nghiệm tự động hóa nâng cao và một mô hình thí nghiệm mô phỏng giải pháp tự động hóa cho nhà máy.
Sau đầu tư của Rockwell Automation Việt Nam, thêm nhiều doanh nghiệp tới với Không gian sáng chế như Dow Chemical, Solutions, Kuneo Corporation… Để tương lai phát triển bền vững, BUILD IT đã lập Mạng lưới các không gian sáng chế giữa các trường đại học và hướng dẫn các khoa tích hợp hoạt động của các không gian đó vào chương trình đào tạo kỹ thuật của mình. Mạng lưới này đã trao cho các bên tham gia cơ hội “chia sẻ ý tưởng, chiến lược phát triển, hợp tác, nhận diện các cơ hội đầu tư”. Tại thời điểm diễn ra dự án BUILD IT, ĐH Lạc Hồng đã phát triển một không gian như vậy mà không cần đến tài trợ của dự án; ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM cũng theo đuổi ý tưởng này. |