Tai họa lớn nhất đối với ong là một loài ký sinh trùng chỉ nhỏ như đầu kim và rất khó loại trừ.

Ký sinh trùng này có tên varro - chỉ có hóa chất mới giết được nó, nhưng nó đã bắt đầu phát triển khả năng kháng thuốc trừ sâu thông thường. Hơn nữa, các phương pháp diệt ký sinh trùng bằng thuốc có thể gây hại cho chính đàn ong. Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã phát triển một dòng nấm giúp tiêu diệt varro - nếu vượt qua các cuộc thử nghiệm, nó có thể cứu sống rất nhiều ong mật trên khắp thế giới và giảm sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.

“Ngành công nghiệp nuôi ong đang cần các giải pháp thay thế cho việc diệt ký sinh trùng, vì vậy thật thú vị khi xuất hiện một phương pháp điều trị phi hóa học tỏ ra có tiềm năng", Margarita López-Uribe, nhà côn trùng học tại Đại học Bang Pennsylvania, người không tham gia nghiên cứu về loại nấm này, cho biết.

Một loại nấm mới có thể giúp chống lại ký sinh varroa đang nằm trên đầu của con ong mật này.

Khoảng 2 thập kỷ trước, các nhà khoa học tại Bộ Nông nghiệp Mỹ và các nơi khác đã bắt đầu nghiên cứu các loài nấm liên quan có thể giết chết ký sinh trùng varroa. Ví dụ, khi các bào tử của nấm M. anisopliae đậu trên một con varroa, chúng sẽ nảy mầm và phát triển các ống nhỏ có thể khoan xuyên qua bộ xương ngoài và phát triển trong khắp cơ thể loài ký sinh này, và cuối cùng giết chết nó. Jennifer Han, nhà côn trùng học tại Đại học Bang Washington (WSU), Pullman, cho biết: “Chúng có thể chui qua lớp vỏ theo đúng nghĩa đen. Loại nấm này có thể là một loại thuốc trừ sâu sinh học tuyệt vời, nhưng có một điều cần lưu ý: Nó sẽ không phát triển tốt bên trong các tổ ong, vốn khá nóng, có thể đạt đến nhiệt độ 35 °C".

Vì vậy, Han và các đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu một dòng nấm có khả năng phát triển trong nhiệt độ cao, có họ hàng với nấm đất Metarhizium acridum, đã từng được sử dụng để chống lại cào cào. Đầu tiên, họ gây căng thẳng (stress) cho nấm bằng cách bỏ đói bào tử, điều này đẩy nhanh tỷ lệ đột biến. Sau đó, họ đặt các bào tử của loại nấm bị stress vào một lồng ấp và nâng dần nhiệt độ lên. Hầu hết các bào tử sẽ chết, nhưng những bào tử sống sót sẽ gieo mầm cho thế hệ tiếp theo. Sau bảy vòng lựa chọn phi tự nhiên này, tỷ lệ bào tử nảy mầm ở nhiệt độ 35°C đã tăng từ 44% lên 70%.

Sau khi đưa một đĩa petri có chủng nấm chịu nhiệt vào tổ ong mật, Han và đồng nghiệp Nicholas Naeger, phát hiện, chỉ có ít hơn 4% số ký sinh trùng đã chết là do dòng nấm Metarhizium mà họ tạo ra. Bước tiếp theo là làm tăng mức hiệu quả diệt ký sinh của nấm, vì các chủng có thể trở nên kém độc hơn khi được nuôi cấy nhiều lần trong phòng thí nghiệm.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu đã trồng một loạt nấm mới từ xác những ký sinh trùng đã chết, và sau đó tiếp tục đưa thế hệ mới trồng được quay lại tổ ong. Trong vòng thử nghiệm thứ hai, 50% số ký sinh trùng đã chết là do nhiễm nấm. Họ tiếp tục lặp lại chu kỳ hai lần nữa, cuối cùng tỷ lệ giết ký sinh lên hơn 60%.

Để đưa được nhiều nấm của họ vào tổ ong, các nhà nghiên cứu đã nuôi cấy nấm trên gạo lứt, cho vào túi lưới và đặt túi vào bên trong tổ. Những con ong sẽ cố gắng đẩy túi này ra khỏi tổ, trên đường chiếc túi di chuyển, các bào tử nấm sẽ rơi ra.

Các nhà nghiên cứu đã xử lý 30 tổ ong bằng axit oxalic - một hóa chất phổ biến được sử dụng bởi những người nuôi ong quy mô nhỏ - hoặc nấm để so sánh hai phương pháp. Sau 18 ngày, nấm Metarhizium có khả năng hạn chế ký sinh trùng tương tự như axit, theo nhóm nghiên cứu công bố trên tạp chí Scientific Reports. Vì liều lượng Metarhizium thử nghiệm tương đối thấp, Naeger nói rằng, hiệu suất của nấm thực tế có thể cao hơn nữa.

Theo Scott McArt, nhà côn trùng học tại Đại học Cornell, cần thực hiện thêm các thử nghiệm khác để chứng minh hiệu quả của phương pháp điều trị bằng nấm. Ông lưu ý, các quần thể ký sinh trùng có xu hướng sinh sôi nảy nở muộn hơn trong năm so với thời điểm nghiên cứu được tiến hành, vì vậy loại nấm này sẽ cần được thử nghiệm trong môi trường tổ ong có số lượng ký sinh trùng lớn hơn để chứng minh giá trị thực tế của nó.

Một câu hỏi khác là chi phí. Han và Naeger cho biết, loại nấm này có thể sẽ đắt hơn axit oxalic, và việc sử dụng cũng tốn nhiều thời gian và phức tạp hơn so với các loại thuốc trừ sâu hóa học thông thường. Nhưng nó an toàn hơn đối với đàn ong - ong có thể bị ốm hoặc chết nếu nồng độ axit oxalic quá cao, và các chất diệt khuẩn hóa học có thể gây ra các vấn đề sinh sản ở các loài thụ phấn.

Nhóm của Han đang tiếp tục phát triển các chủng nấm hiệu quả hơn và giảm chi phí của chúng. “Tôi nghĩ đây sẽ là một quá trình lâu dài,” Han nói. Nếu thành công, họ sẽ có một “bước tiến thực sự lớn”, McArt nói. "Có rất nhiều người nuôi ong không muốn đưa thuốc trừ sâu vào tổ ong của họ."

Nguồn: